Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 385
Tháng 04 : 66.585
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự do tôn giáo ở Việt Nam: Sự thật không thể xuyên tạc

Ngày 12/5/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020, trong đó có 25 trang nói về Việt Nam. Báo cáo này trích dẫn khá nhiều nguồn thông tin xuyên tạc từ một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và tổ chức phản động, khủng bố như Việt Tân, BPSOS.

BPSOS (Ủy ban cứu người vượt biển) do Phan Lạc Tiếp (SN 1933), nguyên là sỹ quan Hải quân Việt Nam cộng hòa và Nguyễn Hữu Xương, nguyên giáo sư Đại học San Diego, thành lập năm 1980, có trụ sở tại Sandiego, Carlifornia (Mỹ) với mục đích giúp đỡ người Việt “tị nạn” tại Mỹ. Năm 1990, Phan Lạc Tiếp và Nguyễn Hữu Xương đã chuyển giao cho Nguyễn Đình Thắng (SN 1958, tại TP Hồ Chí Minh, quốc tịch Mỹ), với vai trò Chủ tịch tiếp tục điều hành BPSOS. Sau khi tiếp nhận, Thắng đã hướng lái hoạt động của tổ chức ngày càng đi sâu vào các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, trở thành một tổ chức phản động lưu vong chống phá quyết liệt ở cả trong và ngoài nước, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia Việt Nam.

Được sự hỗ trợ của một số chính khách nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam đề nghị tham gia một số tổ chức diễn đàn quốc tế; các tổ chức diễn đàn quốc tế này do chính giới hoặc các tổ chức phương Tây tổ chức định kỳ. Thông qua diễn đàn này Nguyễn Đình Thắng với tư cách là khách mời được tham gia điều trần, đã cung cấp hồ sơ, tài liệu  hoàn toàn xuyên tạc liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Trên danh nghĩa hỗ trợ người Việt tị nạn, Nguyễn Đình Thắng và các thành viên của BPSOS đã vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để có kinh phí duy trì hoạt động của tổ chức. Song với bản chất bỉ ổi, kiếm sống bằng cách đầu cơ chính trị Thắng và BPSOS sớm lộ rõ bản chất là những kẻ lưu manh, lừa đảo, gây bức xúc, hoài nghi cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại và ngay cả thành viên trong nội bộ tổ chức bát nháo này. Điển hình là việc Nguyễn Đình Thắng bị bà  Holly Ngô, nguyên là phó Ban Tài chính của BPSOS khởi kiện, tố cáo hắn ta biển thủ ngân quỹ, dùng tiền quỹ để chi tiêu cá nhân. Ngày 10/7/2019 Tòa thượng thẩm Quận Cam, thành phố Santa Ana, bang California đã phán quyết Nguyễn Đình Thắng thua kiện, buộc phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền làm thất thoát, bồi thường danh dự cho bà Holly Ngô. Đó là một trong những minh chứng rõ ràng về bản chất bỉ ổi của Nguyễn Đình Thắng. Khi mà bộ mặt thật và mưu đồ của Nguyễn Đình Thắng và BPSOS bị phơi bày, người ta mới có dịp nhìn lại một cách đầy đủ hơn về tổ chức này.

Đối tượng Nguyễn Đình Thắng.

Nhiều năm qua, dưới danh nghĩa tư vấn, hỗ trợ tị nạn cho những người xuất cảnh trái phép, Nguyễn Đình Thắng và BPSOS đã dùng đủ mọi chiêu trò lừa phỉnh, tự tô vẽ cho mình như một tổ chức nhân đạo có tầm ảnh hưởng lớn tác động được cả giới chức Mỹ và Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc để đưa họ định cư tại Hoa Kỳ hay các nước phương Tây. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa hẹn viển vông. Thực tế, hàng ngàn người Việt Nam xuất cảnh trái phép đang bị bỏ mặc, sống chui lủi, đói khổ trong các trại tị nạn ở Thái Lan từ nhiều năm nay.

Quá trình hoạt động của BPSOS cho thấy chúng chủ trương móc nối, tạo dựng cơ sở và tổ chức huấn luyện cho số đối tượng chống đối trong nước, nhằm thúc đẩy xã hội dân sự, hình thành các hội, nhóm tôn giáo đối lập tại Việt Nam.

Từ năm 2016 đến nay, BPSOS móc ngoặc với các tổ chức phản động lưu vong, nhiều lần tập huấn cho các đối tượng chính trị cực đoan trong nước, hướng dẫn số đối tượng này cách thức hoạt động, thu thập thông tin. Ở nước ngoài chúng tuyển lựa những phần tử có tư tưởng chống đối, bất mãn chế độ và dùng số này như những nhân chứng sống để tiếp cận giới chức phương Tây, gửi những bản báo cáo, thỉnh nguyện thư, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, dù những thông tin này hoàn toàn thiếu căn cứ do chúng tự xuyên tạc, bịa đặt nhằm hạ thấp vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chúng ta biết rằng, nếu như Việt Nam là đất nước không có tự do tôn giáo, thì tại sao Việt Nam lại được thế giới tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu gần như tuyệt đối, lại được giao trọng trách tổ chức thành công nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như: Tổ chức Tổng hội dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2019 thu hút sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu, trong đó có 1.650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng ni, phật tử trở về từ 40 quốc gia trên thế giới, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng các chức sắc, tín đồ tôn giáo khi tới tham dự.

Trở lại với báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng tại sao một cơ quan có vị thế trong Chính phủ Hoa Kỳ lại có thể tùy tiện cóp nhặt những thông tin thiếu kiểm chứng để vội vàng đưa ra những quy kết phiến diện về một đất nước. Phải chăng vẫn là tư tưởng đối lập nhằm vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phần về Việt Nam có đoạn trích dẫn: Theo báo cáo của BPSOS ngày 27/8/2020 chính quyền xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đã thẩm vấn thành viên nhà thờ Y Nguyệt Bkrông về hình ảnh trên trang facebook của ông ta (Hội thánh tin lành đấng Christ mà ông này tham gia vẫn chưa được chính quyền cấp phép). Những người sử dụng lại thông tin từ BPSOS không biết hay cố tình phớt lờ, lấy cớ để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, bởi Y Nguyệt Bkrông là thành viên cốt cán của Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam, một tổ chức tôn giáo tự xưng, núp bóng tôn giáo để chống phá Việt Nam, được Y Hin Niê, đối tượng fulro lưu vong tại Mỹ móc nối với một số phần tử chống đối tại Tây Nguyên dựng lên. Cũng giống Tin lành Đề ga trước đây, mục đích cuối cùng của chúng là lôi kéo tín đồ tập hợp lực lượng chống phá Nhà nước, kích động đồng bào tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền tại Tây Nguyên; âm mưu của tổ chức này đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện bóc gỡ vào cuối năm 2019. Tất nhiên, không một nhà nước nào ủng hộ một tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, kể cả những nước luôn được coi là tự do, dân chủ như Mỹ và phương Tây.

Một trích dẫn khác mà báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 lấy thông tin xuyên tạc từ BPSOS vu cáo rằng, chính quyền địa phương đã sách nhiễu các thành viên của các tổ chức tôn giáo, cản trở việc hành lễ của Linh mục Nguyễn Đình Thục, hay vào tháng 6/2020 Giáo phận Vinh đã đình chỉ Linh mục Đặng Hữu Nam làm sự vụ tại Giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An. Cả 02 linh mục Thục và Nam đều bị chính quyền quấy rối trong nhiều năm vì vai trò đấu tranh của họ trong việc hỗ trợ các nạn nhân của vụ tràn chất độc formosa năm 2016 và vận động cho nhân quyền. Đây là luận điệu xuyên tạc sai bản chất sự thật, bởi cả Giáo hội Công giáo Việt Nam không ai không biết việc làm của hai ông “chủ chăn” này. Với vai trò linh mục, Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục nhiều lần tổ chức lôi kéo giáo dân ở các Giáo xứ Phú Yên, Song Ngọc, Mành Sơn biểu tình. Thay vì truyền đạt đạo lý tốt đẹp của Thiên chúa tới các giáo dân, trong các buổi hành lễ họ cao giọng công kích, bôi nhọ chế độ vi phạm nguyên tắc của Giáo hội, gây bức xúc trong cộng đồng các chức sắc tôn giáo Việt Nam.

 

 

Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú thuộc xã Chư Á nằm cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) trở thành một điểm đến quen thuộc của hàng trăm bà con tín hữu dân tộc Jrai.

Mọi quốc gia trên thế giới đều quản lý hoạt động tôn giáo bằng những quy định pháp luật, ngay tại Hoa Kỳ hoạt động của các tổ chức tôn giáo được quản lý theo luật pháp của các bang; các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của bang; chỉ khi được chính quyền cho phép thành lập, thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân.

Việt Nam cũng vậy, tôn giáo, tín ngưỡng được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Đây là chủ trương nhất quán được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016. Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc; đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việt Nam còn là một đất nước rất ôn hoà trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Sự lãnh đạo quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo và cộng đồng chức sắc, tín đồ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, điều đó không chỉ thể hiện sự chăm lo toàn diện của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tôn giáo, mà ở đó còn là sự tin tưởng, kỳ vọng của đông đảo chức sắc, tín đồ về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng qua những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi./.


Tác giả: TTQP. Đặng Quốc Hưng
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?