Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành công thì điều kiện cần là ban hành một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội nước ta; bên cạnh đó còn phải có điều kiện đủ là đưa hệ thống pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi công dân trong xã hội đều nhận thức đúng các quy định của pháp luật, xây dựng được lòng tin và ý thức tự giác tham gia vào các lĩnh vực đời sống pháp luật, tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ Quân đội đã rất tích cực trong việc tổ chức thực hiện mọi biện pháp để nâng cao chất lượng về công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác giáo dục pháp luật chưa đạt được những bước đột phá cần thiết trong nhận thức và tư tưởng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế hiện nay: Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh những thuận lợi, chúng ta còn gặp không ít khó khăn và những thách thức mới. Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng chủ trương đổi mới và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của nước ta để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động quần chúng gây bạo loạn chống lại chính quyền Nhà nước với những âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông giữa các quốc gia đã và đang đang diễn ra ngày càng phức tạp... Trước tình hình đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ càng phải nắm vững các quy định của pháp luật nói chung, chủ động thực hiện tốt, kiên định lập trường chính trị, tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện tốt các quy định của pháp luật nói riêng.
“Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất năng lực như yêu cầu đặt ra”. Khái niệm giáo dục pháp luật thường được hiểu ở hai cấp độ khác nhau: Theo nghĩa rộng, giáo dục pháp luật là quá trình hình thành ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của các thành viên xã hội, quá trình đó chịu sự tác động của những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, trong đó điều kiện khách quan (chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sống...) là nhân tố ảnh hưởng, nó có thể tác động tự phát theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực, còn nhân tố chủ quan bao giờ cũng là sự tác động tự giác, tích cực, có ý thức, có chủ định theo chiều hướng xác định nhằm đạt được mục đích của chủ thể tác động.
Về tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam - giai đoạn II, các hình thức giáo dục pháp luật bao gồm: giáo dục pháp luật trực tiếp (tuyên truyền miệng); giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng; giáo dục pháp luật qua biên soạn và phát hành các tài liệu giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường; giáo dục pháp luật qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; giáo dục pháp luật qua sinh hoạt câu lạc bộ; giáo dục pháp luật qua xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; giáo dục pháp luật qua tư vấn và dịch vụ pháp lý; giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử ở Toà án và hoà giải ở cơ sở; giáo dục pháp luật qua hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Đối tượng giáo dục pháp luật trong Quân đội là quân nhân tại ngũ; bộ đội địa phương; dân quân - tự vệ; công nhân viên chức quốc phòng; hạ sĩ quan, binh sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Quân đội nhân dân Việt Nam là một tổ chức mang tính đặc thù có cơ cấu tổ chức theo hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới, có tính thống nhất cao về cả ý chí và hành động. Hoạt động của quân đội, ngoài việc phải chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước còn phải thực hiện nghiêm điều lệnh, điều lệ và các chế độ quy định của Quân đội; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam. Các tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội được thành lập đồng bộ theo sự thống nhất về cơ cấu tổ chức từ thấp đến cao. Kỷ luật quân đội là tự giác, nghiêm minh. Mặt khác, các hoạt động thường xuyên của bộ đội thể hiện tính đặc thù, chịu nhiều cam go, vất vả, căng thẳng cả về thể lực và trí lực… Lao động trong hoạt động quân sự khác hẳn so với các lao động khác ở ngoài xã hội; họ không trực tiếp tạo ra của cải vật chất, sản phẩm, dịch vụ hay lợi nhuận mà chủ yếu làm tăng khả năng phát triển trình độ kỹ, chiến thuật và khả năng tác chiến của bộ đội; họ tích cực học tập, rèn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, quân sự, phát triển sức mạnh về tiềm lực quân sự, quốc phòng. Vì vậy, để xây dựng nguồn nhân lực quốc phòng vững mạnh, người quân nhân cách mạng cần phải được phổ biến, giáo dục pháp luật đầy đủ nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành chức năng của Nhà nước chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan, ban ngành cấp dưới phối hợp với các đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án: “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”. Tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật trong quân đội thành ba nhóm: nội dung xây dựng; cơ chế hoạt động và nhiệm vụ của từng nhóm chủ thể cần rõ ràng, cụ thể hơn.
Xuất phát từ đặc thù của đối tượng giáo dục, hoạt động quân sự cũng như mục đích của giáo dục pháp luật trong Quân đội mà nội dung của giáo dục pháp luật dành cho đối tượng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cũng có những nét đặc thù riêng khác với các đối tượng khác. Đó là ngoài việc phải trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản như: hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự, luật hôn nhân và gia đình, luật an toàn giao thông đường bộ... thì còn phải cung cấp những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với việc bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh quốc gia... Mặt khác, phải trang bị cho quân nhân nắm chắc Điều lệnh, Điều lệ Quân đội nhân dân Việt Nam, các Quy định của Bộ Quốc phòng đối với quân nhân, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của quân đội; các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định của lãnh đạo chỉ huy đối với từng đơn vị; kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên đối với các cơ quan, đơn vị cấp dưới. Hơn nữa, nội dung giáo dục pháp luật trong Quân đội còn phải được xây dựng xuất phát từ đặc điểm, nhiệm vụ và hoạt động của từng nhóm đối tượng để vừa bảo đảm được yếu tố cơ bản, thiết thực, chuyên sâu vừa mang tính hiệu quả toàn diện.
Đảng ta luôn xác định: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để huy động mọi nguồn lực nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Về cơ bản, việc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn nằm trong mục tiêu đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân; tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Vì vậy, sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với mọi người dân Việt Nam nói chung, mọi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn là việc làm thường xuyên cấp bách và mang tính hiệu quả thiết thực nhất./.
N.V.G