Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 464
Tháng 07 : 48.993
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiệm vụ, giải pháp của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân trong nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách

Nghiên cứu và đọc sách là một trong những phương thức quan trọng và phổ biến, không chỉ giúp cho mỗi cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân thỏa mãn nhu cầu giải trí, mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình củng cố, làm giàu tri thức khoa học, bồi dưỡng bản lĩnh, kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình mới.

Trong đời sống xã hội, sách là sản phẩm trí tuệ, là kho tàng kiến thức vô cùng quý báu của con người được khái quát từ hoạt động thực tiễn, nền văn hóa, lịch sử của các cộng đồng quốc gia, dân tộc. Sách giữ vai trò là công cụ lưu giữ, lan tỏa những thành tựu của loài người trong quá trình phát triển; mang đến cho con người tư duy, nhận thức và định hướng trưởng thành đúng đắn. Nghiên cứu và đọc sách đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu cùng với chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại, xem đây là một trong những phương thức hiệu quả để tiến bộ, để hoàn thiện nhân cách cá nhân theo những chuẩn mực chung của xã hội.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân trong những năm gần đây không ngừng tăng lên về số lượng, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; trực tiếp tham gia hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, chính quy, mẫu mực tiêu biểu. Đây là cơ sở khách quan đòi hỏi phải không ngừng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ về mọi mặt (trình độ tri thức, đạo đức, kỹ năng, phương pháp, tác phong công tác,…). Trong đó, thúc đẩy phong trào nghiên cứu và đọc sách là giải pháp thiết thực, được cấp ủy, người chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, từng bước biến nền nếp nghiên cứu và đọc sách trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, giảng viên trẻ.

Hiện nay, để khơi dậy niềm đam mê, ý thức, trách nhiệm trong nghiên cứu và đọc sách nhằm thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần quán triệt và thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên trẻ về vị trí, tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đọc sách

Đây là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của mỗi cán bộ, giảng viên trẻ. Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cấp ủy, người chỉ huy cơ quan chức năng, khoa giảng viên cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm định hướng cho cán bộ, giảng viên trẻ có nhận thức, thái độ, hành vi đúng đắn đối với việc nghiên cứu và đọc sách; nhất là tuyên truyền cho cán bộ, giảng viên trẻ thấy được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến nghiên cứu và đọc sách; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4; đẩy mạnh giới thiệu, định hướng các ấn phẩm có chất lượng của Việt Nam và thế giới để lan tỏa phong trào nghiên cứu và đọc sách trong cơ quan, đơn vị. Qua đó, kích thích nhu cầu đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, quán triệt, cần đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, nhằm chuyển hóa tri thức thành động cơ, thái độ ứng xử của cán bộ, giảng viên trẻ đối với hoạt động đọc sách, tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vị trí, vai trò của sách trong đời sống xã hội; khơi dậy niềm đam mê của mỗi cán bộ, giảng viên trẻ với sách, ý thức tích cực, tự giác nghiên cứu và tìm kiếm tri thức khoa học thông qua quá trình đọc sách.

Hai là, quan tâm đầu tư thư viện hiện đại, thuận tiện cho hoạt động nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ

Với vai trò là nơi cung cấp, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin tri thức khoa học cơ bản của cán bộ, giảng viên trẻ, giúp họ phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành với nhiệm vụ xây dựng hệ thống thư viện hiện đại; xem đây là thiết chế quan trọng, trực tiếp tham gia cấu thành chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thông tin khoa học quân sự cần chú trọng xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện điện tử, lấy bạn đọc làm trung tâm, phục vụ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đảm bảo tính chuyên dụng, tính tiện nghi và tính thẩm mỹ, tạo sức hấp dẫn, giúp cán bộ, giảng viên trẻ có sự thoải mái, hứng thú khi đến thư viện nghiên cứu và đọc sách. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn tài liệu của thư viện phong phú, đa dạng về số lượng sách, bảo đảm tính cập nhật, phục vụ thiết thực nhiệm vụ mà giảng viên trẻ đảm nhiệm.

Trong các khâu quản lý, phục vụ bạn đọc với đối tượng là cán bộ, giảng viên trẻ cần ưu tiên áp dụng tin học hóa, xử lý trên các phần mềm thư viện hiện đại một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số để mang lại hiệu quả cao trong quá trình hoạt động; quan tâm nghiên cứu xây dựng các phòng đọc có kết nối internet, các phòng tư liệu hiện đại có khả năng phục vụ tối đa nhu cầu đọc đọc sách cả trong và ngoài giờ hành chính; giúp cán bộ, giảng viên trẻ không bị giới hạn về thời gian và không gian nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần bổ sung, tích hợp thêm dịch vụ hỗ trợ tư vấn cho cán bộ, giảng viên trẻ đặt, mượn tài liệu, sách trực tuyến đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại chỗ một cách hiệu quả.

Ba là, đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ

Để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ thì việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động là hết sức cần thiết. Trong đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ như: Tổ chức thiết thực các hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4); trong điều kiện cho phép, có thể tổ chức tọa đàm giao lưu tác giả, tác phẩm với bạn đọc; trưng bày sách, giới thiệu sách mới; vận động mỗi cán bộ, giảng viên trẻ phấn đấu trở thành một tấm gương sáng trong nghiên cứu và đọc sách.

Đối với cấp ủy, chỉ huy các khoa giảng viên cần xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu và đọc sách cho cán bộ, giảng viên trẻ một cách khoa học, chặt chẽ; phân công tổ chức thực hiện kế hoạch một cách cụ thể; quan tâm động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên trẻ tham gia viết sách, tài liệu phục vụ nhu cầu đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện; hướng dẫn kỹ năng đọc sách, phương pháp tra cứu thông tin và sử dụng thư viện cho cán bộ, giảng viên; thường xuyên nhân rộng điển hình, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong nghiên cứu và đọc sách; đồng thời phối hợp với Phòng Thông tin khoa học quân sự, thư viện khu A xây dựng kế hoạch đọc sách hằng tuần, hằng tháng, hình thành nhu cầu đọc sách thường trực cho cán bộ, giảng viên trẻ.

Bốn là, quan tâm bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng nghiên cứu và đọc sách cho cán bộ, giảng viên

Để nghiên cứu và đọc sách một cách hiệu quả, tất yếu cần có phương pháp và kỹ năng đọc sách đúng đắn. Để thực hiện tốt nội dung này, mỗi cán bộ, giảng viên trẻ cần xác định những cuốn sách cần thiết để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ và những loại sách đọc theo sở thích của bản thân; quán triệt phương châm “đọc sách không cốt lấy nhiều, mà quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Đồng thời, vận dụng một cách linh hoạt các kỹ năng nghiên cứu và đọc sách hiệu quả như: đọc lướt, đọc có trọng điểm, đọc nghiền ngẫm và đọc toàn bộ đối với từng loại sách cụ thể. Bên cạnh đó, trước khi đọc sách thì nên xem kĩ lời nói đầu, cũng như phần mục lục để có tri thức tổng quan về nội dung sơ lược của quyển sách. Đây là kỹ năng rất quan trọng, giúp mỗi cán bộ, giảng viên trẻ có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn phương pháp đọc một cách phù hợp; có thể đọc toàn bộ hay đọc trọng tâm, trực tiếp vào một nội dung lựa chọn. Trước, trong và sau mỗi hoạt động đọc sách phải đặt mục tiêu đạt được kết quả nhất định (nắm bắt nội dung cơ bản, cốt lõi nhất của cuốn sách; bổ sung tri thức, kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân;…).

Nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu và đọc sách của cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay là hoạt động quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ, cũng như thiết thực góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của của Học viện. Đây vừa là vấn đề có tính cấp bách, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp và bản thân mỗi cán bộ, giảng viên trẻ cần phát huy cao nỗ lực chủ quan trong tổ chức thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất./.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2017), Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.

2. Nguyễn Quế Anh, Nguyễn Thúy Cúc, Đỗ Thị Thu Hà, Hà Thị Huệ, Lê Thị Quyên (2020), Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người, Nxb Lao động, Hà Nội.

3. Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hà Nội.

H.N.S


Tác giả: KMLNTTHCM. Hoàng Ngọc Sơn
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?