Lý luận và thực tiễn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho học viên đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Lục quân
C.Mác, Ph.Ăng-ghen hai nhà lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hai ông đã trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân để giác ngộ và từng bước xây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp vô sản; tham gia cải tổ “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản” thành lập năm 1847 - Tổ chức Đảng Vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân. Tư tưởng của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được đưa vào Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản.
Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là phát kiến khoa học vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Nguồn: Tư liệu
Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về cách tổ chức đảng của giai cấp công nhân trong điều kiện lịch sử mới, khi cách mạng vô sản đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp, V.I. Lênin đã bảo vệ, luận chứng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ vào xây dựng và hoạt động của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.
Lãnh tụ V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo nhân dân Nga thực hiện thành công Cách mạng tháng Mười năm 1917 - Nguồn: Tư liệu
Tập trung dân chủ đã trở thành nguyên tắc cơ bản phân biệt đảng cộng sản với các đảng chính trị khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc quan trọng trong xây dựng Đảng. Người coi tập trung và dân chủ phải luôn luôn đi đôi với nhau; dân chủ phải đi đến tập trung và tập trung trên cơ sở dân chủ; tập thể lãnh đạo phải đi đôi với phân công cá nhân phụ trách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa tri thức nhân loại giá trị lịch sử và thực tiễn sinh động ở Việt Nam - Nguồn: Tư liệu
Tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ. Hai thành tố đó không mâu thuẫn với nhau mà luôn thống nhất, tác động bổ sung cho nhau. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ có sự lãnh đạo, được sự bảo đảm của tập trung. Có giữ vững tập trung mới có thể thực hiện và mở rộng dân chủ. Phát triển và mở rộng dân chủ luôn gắn liền với giữ vững và tăng cường tập trung, trên cơ sở đó dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc. Theo đó, mọi công việc trong Đảng đều phải được bàn bạc dân chủ. Mọi đảng viên có quyền được nêu ý kiến của mình, nhưng khi quyết định thì thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, toàn Đảng phải phục tùng BCH Trung ương và cao nhất là đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với tình trạng tản mát, tự do, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật. Dân chủ là cơ sở của tập trung và tập trung chỉ có thể thực hiện được hiệu quả trên cơ sở phát huy thật sự dân chủ trong Đảng. Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Dân chủ có sự bảo đảm của tập trung cũng hoàn toàn khác về bản chất với dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột để xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc đó quy định cơ cấu, hình thức tổ chức của Đảng, phương thức, chế độ thiết lập các cơ quan lãnh đạo của Đảng, xác lập các quy tắc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng và nguyên tắc này còn chi phối các nguyên tắc khác của Đảng. Đó cũng là nguyên tắc quan trọng nhất để chỉ đạo mọi hoạt động của tổ chức, sinh hoạt nội bộ và phong cách làm việc của Đảng. Nó làm cho Đảng được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được tính chủ động, năng động và sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên. Nó bảo đảm cho Đảng luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức chiến đấu, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ vừa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, vừa tập trung được trí tuệ và sức mạnh vật chất của toàn Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Sức mạnh của Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức chỉ có thể vững chắc và biến thành hiện thực khi được bảo đảm bằng sự thống nhất về mặt tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung dân chủ là cơ sở của kỷ luật đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự là một chỉnh thể có tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở.
Mặt khác, tập trung dân chủ là nguyên tắc phân biệt đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng chính trị khác. Nguyên tắc này đã được V.I.Lê-nin khẳng định để xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, phân biệt với các đảng cơ hội trong Quốc tế II đầu thế kỷ XX. Thừa nhận và tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ là một dấu hiệu, một điều kiện cơ bản bảo đảm cho một chính đảng đi theo và trung thành với những nguyên tắc của một đảng Mácxít - Lêninnít.
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thực tiễn xây dựng và hoạt động của Đảng ta đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, nguyên tắc này luôn là mục tiêu công kích, xuyên tạc của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại hòng phá hoại các đảng cộng sản. Trong quá trình cải cách, cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu trước đây đã ngộ nhận, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng làm cho các đảng này tan rã, biến chất, mất vai trò lãnh đạo xã hội. Một mình Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Goóc-ba-chốp đã giải tán cả BCH Trung ương Đảng, dẫn đến Đảng Cộng sản Liên Xô tan vỡ.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 06/01/ - 07/02/1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thanh mặt cho Quốc tế Cộng sản - Nguồn: Tư liệu/TTXVN
Suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng và mỗi nhiệm vụ cụ thể, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được đặc biệt coi trọng trong tổ chức, sinh hoạt của Đảng. Vì vậy, Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời gian qua, tuyệt đại đa số các tổ chức đảng trong toàn Đảng thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ trì bị xử lí kỷ luật, trong đó nguyên nhân chủ yếu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Điển hình là: Trung ương đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; Ban Cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016; Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016… vì các tổ chức đảng này đã có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy. VÌ vậy, không ít cán bộ cao cấp và nguyên cán bộ cao cấp của Đảng đã bị cách chức, xóa chức như các ông: Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Phước Thanh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Gần đây, đã khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Quang Hào, đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Cảnh cáo ông Mai Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Trần Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty VEC; ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến ngày 28/01/2016 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Nguồn: TTXVN
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Toàn Đảng đang tiến hành triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành trung ương Đảng nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi vậy, hơn lúc nào hết toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải có nhận thức đúng và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đề cao kỷ luật đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, đấu tranh có hiệu quả với mọi luận điệu sai trái, thù địch đòi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 - 02/02/2021 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Nguồn: TTXVN
Để giữ vững và tăng cường nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, thống nhất trong toàn Đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ
Quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung, bản chất và những quy định cụ thể trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Trước hết cần tập trung nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về quyền và trách nhiệm của mỗi đảng viên, tổ chức đảng; phương pháp giải quyết các mối quan hệ nội bộ Đảng; chỉ rõ những biểu hiện vi phạm, những nhận thức lệch lạc thường gặp trong thực hiện nguyên tắc.
Cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chế độ trách nhiệm của người chủ trì. Xây dựng và bổ sung các quy định, quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bộ máy, cơ chế vận hành, lề lối làm việc của hệ thống tổ chức đảng và người đứng đầu. Những vấn đề thuộc quyền quyết định của tập thể phải bàn bạc, quyết định theo đa số, mọi thành viên phải chấp hành quyết định của tập thể. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các quyết định của tổ chức đảng; chống độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng hay dựa dẫm, ỉ lại, bao biện, làm thay.
Nội dung nguyên tắc phải được cụ thể hoá thành những quy chế, quy định thực hiện. Trước hết, phải bảo đảm các quyền của đảng viên, nhất là quyền được cung cấp thông tin, quyền được thảo luận; quyền được chất vấn, phê bình trong phạm vi tổ chức. Quy định về chế độ báo cáo, chế độ tự phê bình và phê bình. Cơ quan lãnh đạo các cấp phải chịu sự giám sát của các tổ chức đảng và đảng viên; chịu trách nhiệm trước cấp trên, cấp dưới về hoạt động của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Hai là, giữ vững chế độ nền nếp sinh hoạt định kỳ của các cấp ủy, tổ chức đảng
Phải thường xuyên duy trì việc thực hiện các chế độ, nền nếp sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng, chú trọng cải tiến việc tổ chức và điều hành hội nghị theo hướng mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận thẳng thắn; tôn trọng, tập hợp và xem xét, tiếp thu ý kiến đúng đắn của đảng viên và các cấp ủy viên.
Khi có ý kiến khác nhau phải thảo luận kỹ, đối với những vấn đề quan trọng phải biểu quyết; khi cần phải điều tra, khảo sát, làm thí điểm rồi kết luận rõ ràng.
Ba là, nâng cao chất lượng phê bình và tự phê bình trong toàn Đảng
Quy định cụ thể nội dung, thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình; chống cách làm hình thức, chiếu lệ, không sửa chữa khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình.
Xử lý nghiêm khắc những người có thái độ trấn áp, trù dập người phê bình hay lợi dụng tự phê bình và phê bình để tâng bốc, nịnh hót cũng như vu cáo, đả kích cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ
Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phải chủ trì và chịu trách nhiệm công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử, thực hiện bầu cử có số dư, mở rộng quyền tiến cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự trong bầu cử và bổ nhiệm cán bộ. Tập trung quán triệt Nghị quyết số 109 - NQ/QUTW ngày 11/02/2019 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng...
Năm là, nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên
Cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật; tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia sinh hoạt đầy đủ, tuân thủ kỷ luật Đảng. Không để một đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, không được tuyên truyền ý kiến riêng trái với nghị quyết. Xử lý nghiêm minh mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng.
Ở những nơi có biểu hiện mất đoàn kết thì cấp ủy cấp trên phải trực tiếp chỉ đạo việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Từng đảng viên có trách nhiệm kiểm điểm, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trường hợp nghiêm trọng thì phải thay ngay cán bộ chủ chốt, củng cố cấp ủy và có hình thức xử lý thích đáng với người có liên quan.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vi phạm nguyên tắc này là vi phạm một trong những vấn đề cốt lõi thuộc về bản chất của Đảng. Nắm vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ là một bảo đảm quan trọng để xây dựng Đảng ta vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, là cơ sở để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
TVD