Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Học viện Lục quân
Nhận thức rõ tự phê bình và phê bình (TPB&PB) là nguyên tắc có vị trí, vai trò hết sức quan trọng; là chế độ thường xuyên trong sinh hoạt của Đảng, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên (CB, ĐV); ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong CB, ĐV. Đồng thời, củng cố khối đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ, Đảng ủy Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Học viện Lục quân luôn thường xuyên quan tâm xây dựng các chi bộ trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, trong đó coi trọng và thực hiện tốt TPB&PB trong sinh hoạt chi bộ, cụ thể:
Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về TPB&PB
Cấp ủy, chi bộ ở Đảng bộ Học viên Lục quân thường xuyên giáo dục cho CB, ĐV nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của TPB&PB đối với công tác xây dựng Đảng; củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của CB, ĐV tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của cấp ủy, chi bộ và CB, ĐV. Từ đó, xác định biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, sửa chữa khuyết điểm kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chi bộ đã thường xuyên giáo dục cho CB, ĐV nắm vững các chế độ, quy định, trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện TPB&PB, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị Chi bộ Khoa CTĐ, CTCT ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024
Hai là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ TPB&PB trong sinh hoạt chi bộ
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ XIII xác định: “Chú trọng xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về tổ chức; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình”[1]. Các cấp ủy, chi bộ và từng CB, ĐV luôn coi TPB&PB là chế độ thường xuyên, gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả chế độ, nền nếp sinh hoạt TPB&PB trong Đảng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những CB, ĐV có khuyết điểm; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện hình thức, độc đoán, gia trưởng, hữu khuynh, né tránh, bao che, giấu giếm khuyết điểm. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm và tính tự giác của mỗi CB, ĐV trong sinh hoạt TPB&PB, nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục trong sinh hoạt Đảng.
Ba là, luôn thực hiện TPB&PB với thái độ và phương pháp đúng đắn, phù hợp
Tự phê bình và phê bình là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến con người và tổ chức, nếu thực hiện không khéo, không đúng sẽ gây ra phản ứng tâm lý, phản tác dụng, ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất, đạo đức, nhân cách của CB, ĐV và tổ chức đảng. Do đó, TPB&PB trong sinh hoạt Đảng phải bảo đảm tính văn hóa, tính khoa học và tính nhân văn. Nghĩa là phải khách quan, trung thực, chân thành, thẳng thắn, có lý, tình; không thêm bớt, che giấu khuyết điểm và phải xuất phát từ cái tâm trong sáng vì lợi ích chung của tập thể. Người được phê bình phải có thái độ cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội và quần chúng, phải coi đó là một lần giúp mình tiến bộ, trưởng thành; đồng thời, bản thân phải nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa những khuyết điểm, loại bỏ những ý nghĩ thành kiến, “trù úm” hoặc thù ghét người phê bình mình. Đối với người phê bình, phải chỉ cụ thể những ưu, nhược điểm của đồng chí, đồng độỉ mình, từ đó tìm cách giúp đỡ họ khắc phục, sửa chữa, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những lời phê bình của mình. Trong phê bình cần phát huy dân chủ để mọi người được nói lên những suy nghĩ của mình; đây là tiền đề, động lực thúc đẩy TPB&PB của mỗi CB, ĐV.
Bốn là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu và trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành TPB&PB
Quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình các chi bộ ở Đảng bộ Học viên Lục quân luôn quán triệt phương châm: Cấp trên luôn gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; chi bộ và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng; những ý kiến đúng phải được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa; những ý kiến chưa đúng cần giải thích, làm rõ đề quần chúng hiểu. Bí thư chi bộ và người chỉ huy cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; tạo ra không khí cởi mờ, khuyến khích động viên CB, ĐV, quần chúng mạnh dạn TPB&PB.
Tự phê binh và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển và là chế độ thường xuyên trong sinh hoạt Đảng của CB, ĐV. Vì thế, mỗi CB, ĐV cần tích cực, chủ động, tự giác chấp hành nghiêm các chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt TPB&PB, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, xây dựng Đảng bộ Học viện Lục quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biều”./.
Tài liệu tham khảo
(1) Đảng bộ Học viện Lục quân, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII, Lâm Đồng, 2020, tr. 07.