Những điều cần biết để phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi vằn (Aedes aegypti). Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cao và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau; thể nặng có sốc do giảm khối lượng máu lưu hành hoặc xuất huyết nặng, suy đa tạng; cụ thể:
1. Biểu hiện của bệnh
- Sốt cao đột ngột, liên tục 2-7 ngày.
- Đau đầu, chán ăn, buồn nôn.
- Da xung huyết.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, xuất huyết nội tạng.
- Có thể viêm cơ tim, tràn dịch các màng.
- Sốc gặp trong trường hợp nặng, với các dấu hiệu cảnh báo như:
+ Trạng thái vật vã, kích thích hoặc lừ đừ, li bì.
+ Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan, ấn gan đau.
+ Nôn ói nhiều (≥ 3 lần/giờ, hoặc ≥ 4 lần/6 giờ).
+ Gan to >2cm dưới bờ sườn (do nhân viên y tế khám thấy).
+ Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, có xuất huyết âm đạo (đối với nữ) hoặc đi tiểu ra máu.
+ Tiểu ít.
2. Các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết
a) Phát hiện và diệt ổ lăng quăng/bọ gậy
- Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về bệnh sốt xuất huyết cho toàn thể cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ và người lao động trong toàn Học viện biết để chủ động tham gia phát hiện, loại bỏ ổ lăng quăng/bọ gậy quanh đơn vị và tại gia đình bằng cách cọ rửa sạch sẽ hoặc lật úp các đồ vật, dụng cụ chứa lăng quăng/bọ gậy; thả cá (cá bảy màu, cá kiếm, cá cờ, cá vàng …) vào bể cảnh và dụng cụ chứa nước; rắc hóa chất, muối hoặc dầu ăn vào bát nước kê chân chạn, khay nước thải tủ lạnh…
- Đối với các vật chứa nước đọng ngoài nhà (vỏ chai lọ, lốp xe cũ, máng nước…) cần cọ sạch, quét dọn các máng nước, để nơi khô ráo hoặc loại bỏ các vật liệu phế thải.
- Đối với các ổ chứa nước đọng ngoài tự nhiên (hốc cây, hốc đá non bộ…) cần lấp đầy bằng đất, đá, cát hoặc chọc thủng, tháo cạn nước.
- Định kỳ phun thuốc, hóa chất diệt muỗi.
b) Các biện pháp vệ sinh môi trường: Thường xuyên vệ sinh doanh trại, dọn dẹp nhà cửa, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà; loại bỏ các vị trí muỗi thường hay trú ẩn.
c) Các biện pháp khác: Cần mặc quần áo che phần da hở nhiều nhất có thể; bôi kem, tinh dầu xua muỗi ở các vùng da hở như: Bàn tay, cổ, mặt (tránh mắt), cẳng chân, kể cả khi có đi tất hoặc mặc quần dài và nên bôi lại sau 6 giờ. Nằm màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
Với những thông tin về phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền đến mọi cán bộ, nhân viên, học viên, HSQ-BS và người lao động biết để chủ động phòng chống cho bản thân, gia đình./.