Kỷ niệm ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ: Tự hào bản lĩnh Việt Nam
Ngày 21 tháng 7 hằng năm là dịp để nhân dân cả nước, đặc biệt là lực lượng vũ trang, ôn lại một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc - ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra bước ngoặt lớn trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sự kiện ký Hiệp định Giơ-ne-vơ không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự, chính trị mà còn là biểu tượng cho bản lĩnh, trí tuệ, ý chí kiên cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
71 năm đã trôi qua, nhưng âm vang chiến thắng ấy vẫn vang vọng trong từng bước chuyển của đất nước hôm nay. Quân đội nhân dân Việt Nam, với vai trò là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, của nhân dân, luôn tự hào, khắc ghi và tiếp nối tinh thần ấy để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Toàn cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ
Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 21 tháng 7 năm 1954 sau 75 ngày đàm phán căng thẳng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), với sự tham gia của các bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và đại diện chính quyền Bảo Đại. Trong đó, phái đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm Trưởng đoàn.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ VNDCCH và Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương
Thiếu tướng Delteil thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đặt bút ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương
Hiệp định quy định ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định ghi rõ: sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi to lớn trên bàn đàm phán, khẳng định vị thế và bản lĩnh ngoại giao của cách mạng Việt Nam.
Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thắng lợi lịch sử, là minh chứng hùng hồn cho khả năng kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Là kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé về địa lý nhưng giàu lòng yêu nước, ý chí quật cường. Trong suốt quá trình đấu tranh, Việt Nam đã khẳng định trước thế giới rằng: dù trong hoàn cảnh nào, dân tộc ta cũng không bao giờ khuất phục, luôn kiên trì con đường cách mạng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Phạm Văn Đồng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ giữ vững nguyên tắc mà còn khéo léo trong ứng xử, mềm dẻo về sách lược, từ đó bảo vệ được lợi ích tối cao của dân tộc.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”, từng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải nhận thức sâu sắc về giá trị của độc lập dân tộc, về vai trò của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phải thấy rằng: chỉ khi cả dân tộc cùng chung mục tiêu, cùng một ý chí, mới có thể vượt qua mọi thử thách. Bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi ngoại giao Giơ-ne-vơ cho thấy vai trò quyết định của lực lượng vũ trang trong bảo vệ thành quả cách mạng. Trong thời kỳ mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Một trong những bài học quý giá từ Giơ-ne-vơ là: đấu tranh bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng súng đạn mà còn bằng bản lĩnh chính trị, nghệ thuật ngoại giao. Trong thời đại hội nhập, khi vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định, quân đội cần tiếp tục phát huy vai trò trong đối ngoại quốc phòng, củng cố niềm tin, tăng cường hợp tác, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Các hoạt động giao lưu quốc phòng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, hợp tác quốc tế về an ninh, quốc phòng... là những minh chứng rõ nét cho việc quân đội Việt Nam đang trở thành một đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Kỷ niệm 71 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói chung, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sỹ Học viện Lục quân càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng, càng phải ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến vì mục tiêu cao cả: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh”. Đó chính là cách thiết thực nhất để tôn vinh bản lĩnh Việt Nam - bản lĩnh được tôi luyện qua hàng ngàn năm lịch sử và tỏa sáng trong từng chiến công bất diệt./.
L.Đ.M