Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.286
Tháng 04 : 67.486
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà báo vĩ đại với rất nhiều bút danh và hàng ngàn bài báo đề cập đến các vấn đề rộng lớn của cách mạng, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người đã để lại một di sản báo chí quý báu, kết tinh thành các giá trị bền vững và phong cách báo chí mẫu mực, độc đáo để chúng ta học tập, noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu rất sâu sắc hoạt động báo chí, xem báo chí là một thứ vũ khí sắc bén của cách mạng và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Có thể khẳng định rằng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh là tổng hòa những đặc điểm độc đáo, sinh động, giàu tính thẩm mỹ về tư tưởng, đạo đức; tính mục đích rõ ràng; đa dạng về đề tài và thể loại; kết cấu chặt chẽ, văn phong diễn đạt trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu; hình thức thể hiện phong phú, sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ; tính nhân văn, nhân ái, thấm đượm sâu sắc các nền văn hóa; coi trọng tính thực tiễn, chân thực, cẩn trọng trong viết báo…

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Người làm báo, viết báo để phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Là người sáng lập báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần tội ác của thực dân xâm lược tại các thuộc địa, nhằm thức tỉnh nhân dân Pháp và nhân dân thế giới; đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền con người, quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa. Ngay từ năm 1925, khi sáng lập báo “Thanh niên”, Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, tiến tới thành lập một tổ chức tiên phong lãnh đạo giai cấp và dân tộc, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình.

Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. Báo chí phải thể hiện chính kiến rõ ràng, nhiệt tình ủng hộ hay kiên quyết phản đối một quan điểm, luận thuyết, một vấn đề, một sự kiện nào đó; không thể mập mờ, thiếu dũng khí. Thực tiễn và sự nghiệp cách mạng luôn vận động, phát triển, do đó, đòi hỏi Đảng phải tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xác định nhiệm vụ cho báo chí cách mạng. Muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng phải có nguyên tắc chỉ đạo nhất quán. Nguyên tắc đó là gì? Bác khẳng định: Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Bác chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Bác cũng đặt ra yêu cầu đối với mỗi nhà báo là phải bám sát thực tiễn cách mạng, nắm được đời sống nhân dân để viết thì mới chân thực, mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Người nói: “...cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.

Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung rất sâu sắc và chuẩn mực về hình thức thể hiện. Người rất thành công với nhiều thể loại, đề tài. Từ chính luận, bình luận, bút ký, ký sự, phóng sự, tùy bút cho đến những tin vắn, thậm chí minh hoạ, “thơ - báo chí”.., được Bác dùng rất linh hoạt, kết hợp với nhau để trình bày tốt nhất nội dung, thể hiện rõ nhất chính kiến của mình. Người đã sáng tạo, bổ sung, mang lại những vấn đề mới mẻ, độc đáo, làm cho lý luận về thể loại của tác phẩm báo chí thêm sức sống mới. Bác thường kết hợp một vài thể loại, tạo nên diện mạo tươi tắn, sinh động và biến hóa cho các bài viết, nhằm giáo dục, giải thích, xây dựng cái thiện, cái đúng, cái tiến bộ; cổ vũ và biểu dương người tốt, việc tốt; đấu tranh chống cái xấu, cái sai, sự tha hóa ở trong tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng. Khi nước nhà đã giành được độc lập, Bác sớm phát hiện ngay những căn bệnh có hại cho dân, cho nước, suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ. Đó là bệnh làm “quan cách mạng”, quan liêu, hủ hóa, tham ô, lãng phí, kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương, lười học, thiếu trung thực, báo cáo hay, làm thì dở, xu nịnh, a dua… Người viết nhiều bài báo về sửa đổi lối làm việc và các bài cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức cách mạng. Người cảnh báo, phê phán, thậm chí lên án các căn bệnh ấy, coi đó là một thứ giặc nội xâm, một kẻ thù của Đảng, của cách mạng và dân tộc, cần phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi.

Kết cấu bài viết của Bác chặt chẽ, mạch lạc, ngắn gọn, cô đọng. Nhiều bài viết của Bác chỉ có hai phần: Đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Ngay trong phần đặt vấn đề đã đề cập đến giải quyết vấn đề, nhưng ý tứ rất rõ ràng, mạch lạc. Mỗi phần trong một bài, Bác chỉ nêu một, hai ý lớn; mỗi ý được diễn đạt bằng một, hai câu hoặc đoạn văn ngắn gọn, súc tích. Văn phong của Bác trong sáng, sâu sắc, thể hiện trí tuệ siêu việt, nhưng rất gần gũi đời thường, rất dễ hiểu, dễ nhớ. Viết về kẻ địch, Bác thường dùng lối văn châm biếm ý nhị nhưng ý tứ rất sâu xa, sắc sảo. Viết cho quần chúng nhân dân, Bác dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm nhận của quần chúng. Người chỉ rõ: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Người khuyên các nhà báo chú ý giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh lạm dụng từ nước ngoài, bởi vì “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”, “Các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của ta mai một đi”. Bác dẫn ra một số khuyết điểm của báo chí như viết bài chỉ nói một chiều; đưa tin vội vàng, lộ bí mật, nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng. Người luôn nhắc nhở: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi”, đó chính là đặc trưng của ngôn ngữ báo chí. Theo Bác, phải tùy vào đối tượng để có cách viết phù hợp với trình độ của họ, viết cho nông dân khác công nhân, khác trí thức; viết cho người chưa được giác ngộ khác với người đã được giác ngộ. Bác căn dặn: “Viết về chính trị phải nắm cho chắc, không khô khan và tránh hai cái tệ: Một là rập khuôn, hai là dùng nhiều chữ nước ngoài. Còn viết về Văn nghệ thường là ba hoa, dây cà ra dây muống…”.

Hồ Chí Minh hiểu biết rộng lớn, sâu sắc về các nền văn hoá, văn minh trên thế giới; đồng thời, nắm vững và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ. Trong di sản báo chí đồ sộ mà Người để lại, có rất nhiều bài báo được Bác viết bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Thái Lan… Các bài viết của Người vô cùng phong phú bởi không chỉ diễn đạt bằng ngôn ngữ thuần Việt, mà còn diễn đạt bằng ngôn ngữ của nhiều nước khác. Thực tế đó cho chúng ta càng thêm khâm phục trí tuệ tuyệt vời, tấm gương tự học và phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Bác thường căn dặn đối với người làm báo: Một là gần gũi quần chúng để viết cho thực, cho hay. Hai là mỗi nhà báo ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ. Ba là khi viết xong tự mình đọc lại ba - bốn lần để sửa chữa cẩn thận, tốt hơn nữa là nhờ người khác đọc để lấy ý kiến. Người còn dạy, nhà báo phải luôn luôn học hỏi để tiến bộ không ngừng.

Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế... Người viết báo và làm báo cũng vì mục đích cao đẹp ấy. Người đã để lại tư tưởng, di sản báo chí đồ sộ, quý giá, một phong cách báo chí mẫu mực, độc đáo. Tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Học tập phong cách viết báo của Người để tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là vinh dự và trách nhiệm của mỗi chúng ta./.

N.T.T.H


Tác giả: HQT. Nguyễn Thị Thu Hà
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?