Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.223
Tháng 04 : 69.720
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào toàn dân, toàn quân xóa nạn mù chữ, Người căn dặn: "… Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm". Bác cũng căn dặn: "Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi". Lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Không những thế, cuối những năm 60 của thế kỷ XX, UNESCO cũng nhấn mạnh giáo dục cần phải có phạm vi bao phủ tới toàn bộ cộng đồng và diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân.

Phát huy truyền thống dân tộc, thấm nhuần tư tưởng của Bác, đồng thời bám sát xu thế thời đại như UNESCO đã đề xướng "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình"; thời gian qua, sự nghiệp "trồng người" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập được đặc biệt quan tâm ngay từ khi giành độc lập cho tới những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua và đã đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp như: Hình thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất từ giáo dục mầm non đến đào tạo sau đại học; sự đa dạng hóa các loại hình trường, lớp và phương thức cung ứng, kết nối giữa các trình độ đào tạo được cải thiện; việc mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục khắp các vùng, miền của đất nước; công bằng xã hội trong giáo dục có nhiều tiến bộ, các phong trào thi đua, khuyến học, khuyến tài đã từng bước đi vào chiều sâu và thực chất hơn ở hầu khắp các địa phương; môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, gắn với cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa...; nhiều điểm yếu về giáo dục đã được khắc phục. Loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Ảnh: Moet.gov.vn

Trong nhiều dòng họ, làng, xã, phong trào thi đua học tập được khôi phục và phát triển mạnh. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm sâu vào từng gia đình, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền... Một nét đẹp văn hóa, tạo nên phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi khi nhiều nơi lập quỹ khuyến học và duy trì có hiệu quả, cùng các hình thức tuyên dương, khen thưởng, động viên, khích lệ tinh thần thi đua học tập.

Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong các phong trào như những tấm gương cao niên liên tục nhiều năm quyên góp sách, báo, xây dựng thư viện, phòng đọc, cổ vũ phong trào đọc sách, góp phần tích cực đẩy mạnh văn hóa đọc. Trong số tấm gương người khuyết tật, điển hình có thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, với nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội… Những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, “học, học nữa, học mãi”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”, góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của tổ chức xếp hạng uy tín thế giới (US News), giáo dục Việt Nam được đánh giá xếp thứ 59.

Những kết quả bước đầu đang ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của đất nước theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo hành lang pháp lý để phát triển giáo dục Việt Nam theo hướng mở, liên thông, tạo cơ hội học tập bình đẳng và suốt đời cho mọi người dân. Với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để toàn dân được học tập suốt đời, học thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ, mọi lứa tuổi; huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển giáo dục; cá nhân hay tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập. Năm 2005, Đề án xây dựng xã hội học tập được Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2005 – 2010, đến nay, Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt cho giai đoạn 2012 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2030.

Thực hiện học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đây chính là chìa khóa của thế kỷ XXI, vượt xa hơn sự phân chia truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi về tri thức, kỹ năng và sự thích ứng cao với nhiều loại điều kiện, hoàn cảnh, tình huống. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành từng bước tiến hành cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, các doanh nghiệp và hộ gia đình tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số. Hỗ trợ người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn, được học tập suốt đời. Cùng với huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập. Góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Hưởng ứng tinh thần chung, trong những năm qua, Học viện Lục quân kịp thời quán triệt, triển khai nghị quyết, cùng với hệ thống chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Học viện, đáp ứng kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Quân đội nói chung, Học viện Lục quân nói riêng. Từng năm học, từng nhiệm kỳ luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, gắn học với hành, tài với đức, xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện tại, Học viện đang lãnh đạo thực hiện tốt 03 nội dung đột phá: “Chất lượng giảng dạy tốt nhất - Quản lý, rèn luyện, học tập nghiêm nhất - Kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất”, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Học viện theo mô hình Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ , tích cực thực hiện Chiến lược giáo dục – đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 – 2030 và những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, góp phần tạo động lực truyền cảm hứng cho học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, học tập để không ngừng hoàn thiện bản thân về đức, trí, thể, mỹ, để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển và chứng minh dân tộc ta không thua kém bất cứ đất nước nào trên thế giới./.

B.T.T


Tác giả: KXT. Bùi Trường Tăng
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?