• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.534
Tháng 12 : 41.498
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách tiền lương mới 2024 - để công chức có thể sống được bằng lương

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cải cách tiền lương khu vực công là một trong những chính sách được mong chờ nhất trong năm 2024. Niềm vui vật chất chắc chắn sẽ có tác động tích cực nhiều mặt đến tinh thần và nâng cao trách nhiệm công việc của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Sau bốn lần cải cách tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính vì vậy tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp với mục tiêu “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động...”. Do dịch bệnh Covid-19, lộ trình cải cách tiền lương bị gián đoạn và đã được cấp bách triển khai ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27. Chính phủ, các cơ quan, ban ngành đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị để kịp thời điểm thực hiện.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng. Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương. Vậy chính sách tiền lương mới năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang như thế nào?

Thứ nhất, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng trung bình khoảng 30% và tiếp tục tăng 7% từ năm 2025.

Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7/2024 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%.

Thứ hai, bảo lưu mức lương và thu nhập ở đơn vị đặc thù

Hiện nay có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần).

Khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, họ sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương. Vì vậy, để đảm bảo chế độ cho họ, Bộ Nội vụ tính toán để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng.

Thứ ba, tiền lương y tế, giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung

Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.

Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Thứ tư, xây dựng bảng lương và phụ cấp đặc thù của lực lượng vũ trang, vừa có tính kế thừa, phát huy ưu điểm, khắc phục được những khó khăn, bất cập của bảng lương hiện nay

Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương lực lượng vũ trang và cơ yếu thống nhất về quan điểm xây dựng các bảng lương của lực lượng vũ trang phải phù hợp với tổ chức, biên chế và tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang. Tiền lương phải gắn theo vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong lực lượng vũ trang. Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với việc thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, gắn với vị trí công tác, thể hiện được thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của chức vụ, chức danh đảm nhiệm; giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang. Thống nhất nguyên tắc xây dựng bảng lương sĩ quan theo 2 thành tố: Lương chức vụ (hoặc lương chức danh) và lương quân hàm, cấp hàm.

Trong đó, lương chức vụ (hoặc lương chức danh) được xác định theo nhóm trên cơ sở các chức vụ, chức danh cơ bản, các bậc chức vụ, chức danh tương đương. Lương quân hàm, cấp hàm được xây dựng theo cấp bậc quân hàm, cấp hàm quy định trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Xây dựng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật, công nhân quốc phòng, công nhân Công an trên cơ sở vị trí nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu trình độ của vị trí đảm nhiệm và chức vụ chỉ huy, lãnh đạo, quản lý. Xây dựng bảng lương mới bảo đảm thuận lợi cho chuyển xếp lương cũ sang lương mới, mức lương mới không thấp hơn mức lương cũ...

Toàn quân nói chung, cán bộ, giảng viên, nhân viên Học viện Lục quân nói riêng rất luôn tin tưởng, phấn khởi về chính sách cải cách tiền lương năm 2024; chắc chắn cải cách tiền lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của người hưởng lương và gia đình, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

P.Đ.Đ


Tác giả: KHCKT. Phạm Đức Đồng
Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?