Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ: Thắp sáng ngọn lửa tri ân
Tháng 7 về, đất nước hoà trong không khí thiêng liêng, thành kính tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc – những thương binh, liệt sỹ đã không tiếc máu xương chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm 2025, tròn 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, càng thêm ý nghĩa khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, và cũng là lúc mỗi người dân cần ghi nhớ sâu sắc công ơn to lớn của những người đã ngã xuống.
Ngày 27-7-1947, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày này để làm Ngày Thương binh toàn quốc. Trong thư gửi các thương binh đầu tiên, Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”. “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm tôn vinh và đền đáp sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, tri ân những đối tượng này, đồng thời phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi đối với người có công một cách đồng bộ và toàn diện, thể hiện cam kết sâu sắc trong việc tri ân và chăm lo đời sống những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Các chính sách này không chỉ mở rộng đối tượng thụ hưởng mà còn từng bước hoàn thiện chế độ đãi ngộ, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của những người có công và thân nhân của họ. Các hình thức ưu đãi được thực hiện đa dạng, bao gồm trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chính sách khác như hỗ trợ y tế, giáo dục, cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, cũng như các hỗ trợ vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Ngoài ra, tùy theo từng đối tượng, các chính sách chăm sóc đặc thù đã được áp dụng, bao gồm trợ cấp cho người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh có tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương tương tự. Những đối tượng này còn được chăm sóc qua nhiều hình thức, từ hỗ trợ tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế, cho đến các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng, đảm bảo mang lại cuộc sống đầy đủ, tôn vinh và tri ân xứng đáng đối với những cống hiến to lớn của họ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cả hệ thống chính trị cùng toàn thể các tổ chức, cá nhân và cộng đồng đã đồng lòng, chung sức trong việc xây dựng và tôn tạo các công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính các liệt sĩ vẫn còn thiếu thông tin được đẩy mạnh và triển khai mạnh mẽ. Các địa phương trong cả nước có hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ và công trình ghi công liệt sĩ được tích cực tu bổ bảo đảm tính bền vững và trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu tưởng niệm, vinh danh các anh hùng liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, phong trào tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà tình nghĩa, phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách vào các dịp lễ, Tết nhằm thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của toàn xã hội đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ toàn xã hội. Các phong trào này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm và vinh dự của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến và hy sinh vô cùng to lớn của những người đã chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Các hoạt động này đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc, với những việc làm cụ thể và thiết thực, đầy trách nhiệm và nghĩa tình, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phong trào này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, và khơi dậy trách nhiệm xã hội của mỗi người dân Việt Nam.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, tỉnh Điện Biên
Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, công ơn và sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng luôn được ghi nhớ sâu sắc. Chúng ta mãi mãi tự hào về ý chí kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha ông, những người đã viết nên những trang sử hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đây là tình cảm thiêng liêng, là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025) là dịp để cả dân tộc Việt Nam tưởng nhớ và tri ân các thế hệ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Mỗi cán bộ, giảng viên Khoa Tin học – Ngoại ngữ luôn thể hiện tinh thần cầu tiến, không ngừng vươn lên về mọi mặt, ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, chủ động bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo cán bộ Quân đội, không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo vị thế và uy tín của Học viện trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân tự nhắc nhở mình thực hiện các hành động cụ thể, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, và đóng góp vào khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước./.
N.T.N.H