Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 712
Tháng 04 : 73.495
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm đường cơ động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - những chiến công của Bộ đội Công binh anh hùng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là bản anh hùng ca bất diệt của cả dân tộc Việt Nam. Trong chiến công vĩ đại ấy có sự đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn nói chung và của lực lượng Công binh nói riêng.

Trong chiến dịch này lực lượng của ta gồm 5 quân đoàn cùng nhiều đơn vị binh chủng, quân chủng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 và Thành đội Sài Gòn - Gia Định cùng tham gia. Theo quyết tâm tác chiến chiến dịch, năm quân đoàn binh chủng hợp thành của ta đánh vào Sài Gòn theo 5 hướng, thực hiện chia cắt bao vây quân địch, tiêu diệt địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm ở nội đô, đồng thời tổ chức những mũi thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố. Để thực hiện thắng lợi quyết tâm tác chiến, vấn đề bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực cơ động, triển khai lực lượng theo phương án tác chiến là một nhiệm vụ bảo đảm công trình chủ yếu của chiến dịch, yêu cầu cần tập trung lực lượng, chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 20 tháng 4 năm 1975, các cánh quân của ta bắt đầu triển khai tiến công Sài Gòn trên các hướng: Hướng Đông, sau khi giải phóng Phan Rang, Hàm Tân, Quân đoàn 2 phát triển về Sài Gòn theo tỉnh lộ 12 và quốc lộ 15. Công binh của quân đoàn tổ chức dò, gỡ mìn, sửa chữa đường bảo đảm cho các lực lượng của quân đoàn cơ động tiến công địch trong hành tiến. Cũng trên hướng Đông, sau khi giải phóng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai, Tiểu đoàn Công binh 25 tực tiếp chuẩn bị đường từ khu vực sông Thao đến Trảng Bom dài 13 km, làm 4 ngầm vượt sông Thao, suối Rết bảo đảm cho các đơn vị cơ động kịp thời. Các tiểu đoàn Công binh 276 và 282 mở tuyến đường từ Dầu Giây đến Hố Nai, trong đó có những đoạn chống lầy, làm ngầm bảo đảm cho Quân đoàn 4 cơ động, phát triển tiến công về Sài Gòn.

Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến tổ chức sửa chữa đường bị địch đánh phá

Hướng Bắc và Đông Bắc, Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) và Trung đoàn Công binh 279 (có hai tiểu đoàn) của Bộ phối thuộc làm ngầm Bến Bào, quá trình làm sửa đường bị pháo binh, không quân địch bắn phá ác liệt, nhưng với quyết tâm cao các đơn vị đã bảo đảm cho 900 xe pháo qua ngầm an toàn. Hướng Tây Bắc, ngày 20 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn Công binh 7 và 575 cơ động đến Chơn Thành đảm nhiệm thông đường 13, mở hai trục dọc và các đường vòng tránh qua các trọng điểm địch đánh phá. Trung đoàn Công binh 7 mở trục dọc từ Bến Củi đến Củ Chi bảo đảm cho Sư đoàn 10 thọc sâu theo đường số 1. Trung đoàn Công binh 575 mở trục dọc đường số 4 bảo đảm cho bộ binh đánh Phú Hòa Đông. Trong điều kiện thời gian gấp nhưng với quyết tâm chiến thắng, hai trung đoàn công binh đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định với tổng chiều dài các trục đường là 280 km.

Trên hướng Tây Nam, để vượt qua vùng sình lầy, ít đường sá, công binh Đoàn 232 dùng thuyền nhỏ chở pháo 105mm đã tháo rời từ Ba Thu xuống Ngã ba Bình Thạnh dài 30 km, rồi dùng thuyền gắn máy vận chuyển theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết an toàn. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, với sự nỗ lực tiến quân thần tốc, được công binh bảo đảm đường cơ động, bắc cầu, phà vượt sông kịp thời, các quân đoàn, binh chủng hợp thành đã vào vị trí triển khai chiến dịch đúng kế hoạch.

17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc tổng tiến công bắt đầu, Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 3 (Quân khu 5 tăng cường) đánh chiếm Vũng Tàu, đại bộ phận còn lại của Quân đoàn tiến về Sài Gòn. Bộ đội công binh khôi phục cầu sông Buông bị địch phá sập, dọn các xe pháo hỏng của địch trên đường để bộ đội tiến quân. Khi vượt sông Nhà Bè, công binh Quân đoàn 2 đã sử dụng hai bộ phà lớn 200 tấn và hai bộ phà 20 tấn của địch, bảo đảm cho Quân đoàn vượt sông nhanh chóng. Công binh Quân đoàn 4 sửa đường, lấp hố bom, gỡ mìn, bảo đảm cho bộ binh thọc sâu vào thành phố Sài Gòn. Công binh bảo đảm cho lực lượng của Quân đoàn 1 tiến công đánh Phú Lợi, Tân Uyên, cơ động tập kết vào cửa ngõ Bình Triệu để tiến vào thành phố. Công binh Quân đoàn 3 bảo đảm cầu đường cho các đơn cơ động vào Củ Chi, chuẩn bị tiến công vào trung tâm thành phố. Công binh Đoàn 232 khắc phục nhiều khó khăn vượt sông Vàm Cỏ, tại đây, Tiểu đoàn Công binh 741 được tăng cường 1 đại đội của Trung đoàn Vượt sông 249 tiến hành ghép 2 phà TPP ở bến An Ninh bảo đảm cho 593 xe, pháo qua sông an toàn. Ở bến Lộc Giang, Tiểu đoàn 2 (thuộc trung đoàn vượt sông của Bộ) cùng 500 dân công chống lầy quãng đường xuống bến dài 1km, bảo đảm cho bộ đội vượt qua sông Vàm Cỏ Đông thọc sâu vào Sài Gòn đúng thời cơ đã hiệp đồng. Đến 11 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung đoàn Công binh 6 thực hành mở đường bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi hoàn toàn đã kết thúc 30 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, đối với nhiệm vụ bảo đảm đường cơ động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội Công binh đã phát huy tinh thần anh dũng, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tận dụng khí tài thu được của địch, khai thác vật liệu tại chỗ, khôi phục và làm mới được 98 cầu với chiều dài 3.300m. Trong đó, có 68 cầu Be-lây, 15 cầu dầm thép, 5 cầu phao trên các tuyến quốc lộ 1, 14, 19, 21… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động một lực lượng lớn công binh phối hợp với các đơn vị công binh của Bộ bảo đảm cầu đường cho 3 quân đoàn chủ lực và các đơn vị, phương tiện, khí tài quân sự cơ động trên các trục đường dài hàng ngàn cây số vào tham gia chiến dịch góp phần không nhỏ vào thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, tin tưởng rằng lực lượng Công binh trong toàn quân với quân số, trang bị hiện đại sẽ đủ khả năng đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm đường cho các lực lượng, phương tiện cơ động trong mọi tình huống chiến tranh nếu xảy ra. Góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, đồng thời tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi” mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta yêu quý trao tặng cho bộ đội Công binh./.


Tác giả: KCB. Nguyễn Lê Quý
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?