Thượng tướng Nguyễn Hữu An và trận đánh làm thay đổi cách nhìn của đối thủ
Thượng tướng, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu An là một trong số những tướng lĩnh xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Người trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, cam go ác liệt và đạt hiệu suất chiến đấu cao. Người trực tiếp ra lệnh khai hỏa khối bộc phá 1000kg trên Đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Thượng tướng Nguyễn Hữu An sinh ngày 15 tháng 10 năm 1926, tại Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình; một vùng quê có bề dày văn hóa lịch sử và giàu truyền thống cách mạng. Tham gia cách mạng từ năm 1945, trong cuộc đời quân ngũ của mình ông đã từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau trong quân đội, trong đó có thời gian gắn bó với Học viện Lục quân trên cương vị Viện trưởng (1988 - 1991).
Trải qua hơn 30 năm chiến đấu, ông cùng với Đại tướng Lê Trọng Tấn đã trở thành “cặp bài trùng” ăn ý, cặp đôi không địch thủ trong suốt mấy chục năm chinh chiến. Một trong những trận đánh đã làm nên tên tuổi ông ở thung lũng Ia Đrăng, trận đánh phủ đầu tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khác thuộc Sư đoàn không kỵ số 1 của Mỹ, trận thắng mà ngay chính người Mỹ cũng phải thừa nhận “Ia Đrăng - trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Hình ảnh lính Mỹ tại Ia Đrăng
Trận Ia Đrăng, trận đánh lớn đầu tiên của Thượng tướng Nguyễn Hữu An với vai trò là tham mưu phó mặt trận B3 và là người trực tiếp chỉ huy trận Ia Đrăng năm 1965. Thắng lợi của trận đánh đã làm thay đổi cái nhìn của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, trực tiếp làm phá sản chiến thuật trực thăng vận của Mỹ, thay cho lời khẳng định đanh thép với câu hỏi mang tính căn bản xuyên suốt, đó là “con người hay vũ khí quyết định”.
Để triển khai chiến thuật trực thăng vận, tìm và tìm diệt chủ lực của ta. Đầu tháng 9 năm 1965, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã điều Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 lên án ngữ tại An Khê (Gia Lai), nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, thực hiện chia cắt Tây Nguyên và đồng bằng duyên hải miền Trung; thực thi kế hoạch tìm và diệt trong chiến lược chiến tranh cục bộ của người Mỹ đối với Việt Nam.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định thay đổi chủ trương, hạ quyết tâm mở chiến dịch Plei Me, tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực Mỹ, xây dựng lòng tin đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam. Bước vào trận đánh, ta sử dụng 3 trung đoàn bộ binh (320, 33, 66), 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm; cùng lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ đánh cắt giao thông và quấy phá sau lưng địch.
Mở đầu chiến dịch, Trung đoàn 33 Quân Giải phóng được lệnh tiến công Chư Ho, bao vây uy hiếp đồn Plei Me. Phát hiện ra chủ lực của ta cơ động, Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều quân chi viện cho Plei Me. Khoảng 12 giờ, ngày 23 tháng 10 năm 1965, Chiến đoàn 3 thiết giáp và một số đơn vị trợ chiến của chúng từ Phú Mỹ hành quân ứng cứu Plei Me. Tại đây ta phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn biệt động quân, tiểu đoàn 1 bộ binh (Trung đoàn 42), chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn trên Đường số 21.
Sau khi tiêu diệt viện binh của địch trên Đường 21, ta được lệnh rút lui về thung lũng Ia Đrăng, cách 10 km về phía Tây để củng cố và thực hành nghi binh kéo quân Mỹ đến thung lũng Ia Đrăng để đánh trận then chốt quyết định. Tại đây, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 quân Mỹ. Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu 2.974 địch, trong đó có 1700 lính Mỹ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay. Đây là chiến dịch bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Khi nói về trận đánh tại Ia Đrăng, nhà báo người Mỹ Galloway từng viết:“Trận chiến ở thung lũng Ia Đrăng đã làm chấn động đến toàn nước Mỹ, làm cho nước Mỹ suy thoái vào một thập kỷ sa lầy đẫm máu, dẫn 58.000 người Mỹ đi vào những chiếc quan tài bằng nhôm sáng bóng do quân đội sản xuất, đã làm hỏng một đời tổng thống và mang lại vết nhơ sâu sắc cho các đời tổng thống khác, đẩy cả dân tộc đến chỗ đối lập với chính bản thân mình”.
Đây là trận đánh được xem là thiệt hại nặng nề bậc nhất đối với quân Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam, chiến thuật trực thăng vận của quân đội Mỹ chính thức bị phá sản, đánh dấu sự thất bại không thể cứu vãn của chiến lược chiến tranh cục bộ tại Việt Nam. Năm 1994, H. Moore bại tướng của trận Ia Đrăng thăm lại Plei Me, tại đây ông đã công khai thừa nhận: “Plei Me chính là cột mốc lịch sử mở đầu cho sự thất bại của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nó đã làm mất uy thế bách chiến, bách thắng trong lịch sử hình thành và phát triển của quân đội Hoa Kỳ”.
Trận đánh thể hiện tài năng chỉ huy xuất chúng của Thượng tướng Nguyễn Hữu An, đó là “Tài lừa dụ địch, điều địch vào nơi ta đã chuẩn bị và buộc chúng phải đánh theo lối đánh của ta” dẫn đến sự thất bại được báo trước đối với quân Mỹ. Người mà sau này được đích thân Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mệnh danh là “Vị tướng của trận mạc”.
Nguyễn Hữu An là một trong những vị tướng chiến trường xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, người lập nhiều chiến công vang dội với những trận đánh điển hình để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quân sự Việt Nam. Là nỗi kinh hoàng của đối thủ, sự ám ảnh nặng nề kéo dài không thể hàn gắn đối với kẻ thù, tạo nên “Hội chứng Việt Nam” ám ảnh dai dẳng đối với nhiều người Mỹ với câu hỏi không lời giải đáp “Tại sao lại dẫn thân đến Ia Đrăng để chết ở đó”.
Chiến tranh giờ đã lùi xa, hai dân tộc Việt - Mỹ đã xích lại gần nhau và có những hàn gắn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, lịch sử vẫn mãi khắc ghi những dấu ấn riêng của thời đại, những người tham gia trận đánh năm xưa giờ người còn, người mất, nhưng chiến công của họ còn vang mãi.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nghĩ về Thượng tướng Nguyễn Hữu An chúng ta luôn nhớ đến ông như một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người chỉ huy trận mạc nhiều kinh nghiệm. Giờ đây ông đã đi xa, an yên cùng đồng đội ở cõi vĩnh hằng. Thế nhưng thắng lợi của những trận đánh gắn với tên tuổi của Thượng tướng Nguyễn Hữu An mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Học viện Lục quân Anh hùng (07/7/1946 - 07/7/2024), trong bề dày lịch sử và chiều sâu truyến thống của Học viện Lục quân luôn có dấu ấn của Viện trưởng Thượng tướng Nguyễn Hữu An gắn bó một thời. Những cán bộ giảng viên và nhiều người đã từng công tác, làm việc cùng ông; họ luôn nghĩ và nhớ về “Ông” như một người anh vị tha, người đồng chí, đồng nghiệp mẫu mực và là người chỉ huy có tâm, có tầm; từng dọc ngang một thời trận mạc, nhưng vô cùng ấm áp và vị tha giữa đời thường.
Đối với các thế hệ cán bộ giảng viên, học viên đã từng công tác và học tập tại Học viện Lục quân qua các thời kỳ, dấu ấn về “Vị tướng trận mạc” Nguyễn Hữu An và kinh nghiệm từ trận Plei Me năm nào đến nay vẫn còn nguyên giá trị; bài học vô giá được các thế hệ và thầy trò Học viện Lục quân kế tiếp nhau trau dồi, gọt giũa và coi đó như là “Tài sản vô giá - thanh gươm báu” bất bại của thời đại Hồ Chí Minh, là hành trang để tiếp bước cha anh, gánh vác trọng trách, gìn giữ giang sơn gấm vóc cho hôm nay, mai sau và mãi mãi.
Cán bộ, giảng viên, thế hệ trẻ của Học viện Lục quân hôm nay mãi khắc cốt, ghi tâm và biết ơn công trạng to lớn của thế hệ cha anh, trong đó có “Vị tướng trận mạc” - Viện trưởng một thời của Học viện Lục quân. Trong chiến trận, một thời trung kiên oanh liệt cùng Tây Nguyên và Ia Đrăng. Hòa bình lập lại, Nguyễn Hữu An lại tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng Quân đội với nhiều cương vị khác nhau. Trong đó, có giai đoạn đảm trách sự nghiệp “trồng người” trên thành phố ngàn hoa, tưởng nhớ và mãi biết ơn công lao to lớn của Thủ trưởng, người Anh hùng của Ia Đrăng năm nào./.
N.T.C