Học viện Lục quân chủ động phòng, chống HIV/AIDS góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS trong Quân đội vào năm 2030
Hiện nay, tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trong nước tập trung trong các nhóm quần thể nguy cơ cao, cảnh báo nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt nhóm MSM tuổi vị thành niên.
Những năm gần đây, số người nhiễm mới HIV gia tăng tập trung độ tuổi trẻ; theo số liệu giám sát hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam; mặt khác kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên cũng hạn chế. Để chủ động phòng, chống HIV/AIDS trong toàn Học viện, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung như:
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân viên, học viên, HSQ-BS và người lao động trong Học viện thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, Học viện không có ca nhiễm HIV/AIDS và tiến tới chấm dứt AIDS trong Quân đội vào năm 2030. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên viên, học viên, HSQ-BS, người lao động được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục; đặc biệt là dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị sớm cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, đơn vị với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, đơn vị, xã hội. Tăng cường sự tham gia của mọi quân nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động các đối tượng trong toàn Học viện tích cực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại cơ quan, đơn vị; công tác tuyên truyền phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp; lồng ghép với các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Bám sát mục tiêu của Tháng hành động, tiếp tục nâng cao nhận thức và chuyển biến về hành vi của mọi quân nhân, các cấp, các ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS với Chủ đề và khẩu hiệu như:
* Chủ đề: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
* Khẩu hiệu:
- Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
- Tuổi trẻ chung vai – Vì tương lai không còn dịch bệnh HIV!
- Giữ vững cam kết – Quyết tâm ngăn chặn AIDS!
- Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ bản thân và cộng đồng!
- Tuân thủ điều trị ARV để đạt K=K!
- Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
- Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
- Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su!
- Dự phòng và điều trị HIV/AIDS - Không để ai bỏ lại phía sau!
- Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
- Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2024!
Trên cơ sở cập nhật tình hình dịch bệnh HIV/AIDS và với chủ đề, khẩu hiệu trên giúp cho mọi quân nhân, người lao động nâng cao kiến thức, chủ động phòng chống cho bản thân, gia đình, xã hội cũng như chuyển biến về hành vi của mọi quân nhân, các cấp, các ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS; xây dựng đơn vị không có trường hợp nhiễm HIV, góp phần tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trong Quân đội vào năm 2030./.