“Trung thực” – Phẩm chất cốt lõi cho học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Lục quân
Trong môi trường quân đội nói chung, đặc biệt là trong đào tạo sau đại học cho cán bộ quân sự tại Học viện Lục quân, trung thực không chỉ là một giá trị đạo đức mà còn là một chuẩn mực cốt lõi, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị, tác phong nghiên cứu khoa học và năng lực công tác thực tiễn cho mỗi học viên.
Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân”. Lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hiện nay, đặc biệt với những cán bộ nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo sau đại học trong quân đội. Trung thực không chỉ là thước đo đạo đức cá nhân mà còn là nền tảng để xây dựng niềm tin, trách nhiệm và bản lĩnh cho những người đang trên hành trình rèn luyện, cống hiến. Đối với học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Lục quân là những nhà khoa học, nhà giáo của Quân đội ta trong tương lai, do đó trung thực càng trở thành phẩm chất cốt lõi, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy và sự mẫu mực trong hành động. Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về trung thực không chỉ gắn với học thuật mà còn gắn với tư cách, đạo đức, lối sống và văn hóa quân sự.
Trung thực – Nền tảng nhân cách người quân nhân cách mạng
Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ, thông tin và tri thức như hiện nay, người học có thể tiếp cận kho tàng dữ liệu đồ sộ chỉ với vài cú nhấp chuột. Tuy nhiên, cũng từ đó, những biểu hiện như sao chép tài liệu, trích dẫn không đúng nguồn, thậm chí “đạo văn” trong quá trình nghiên cứu, do đó viết tiểu luận, chuyên đề, luận văn, luận án... đang dần trở thành nguy cơ tiềm ẩn, nếu thiếu đi sự trung thực trong học tập và nghiên cứu.
Với Quân đội ta, điều đó không đơn thuần là vi phạm học thuật, mà còn làm tổn hại phẩm chất người đảng viên, người cán bộ, sĩ quan, cũng như ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tập thể, tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao trong quân đội.
Không thể có năng lực thực sự nếu thiếu trung thực
Không thể có năng lực thực chất nếu thiếu trung thực. Bởi lẽ, trung thực không chỉ là biểu hiện của đạo đức mà còn là cơ sở để con người tiếp cận và làm chủ tri thức một cách nghiêm túc, khách quan. Một người học giỏi đến đâu nhưng gian dối trong kiểm tra, sao chép trong nghiên cứu, hay báo cáo sai sự thật trong thực tiễn thì năng lực đó chỉ là “vỏ bọc”, không có giá trị bền vững và “cây kim sẽ có ngày lòi ra”.
Trong môi trường quân đội, kỷ luật là sức mạnh, sự chính xác và lòng tin giữ vai trò sống còn, vậy nên trung thực càng là yếu tố không thể thiếu để rèn luyện phẩm chất chỉ huy và bản lĩnh chiến đấu. Trung thực giúp học viên nhận diện đúng điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó không ngừng phấn đấu, học hỏi và trưởng thành thực sự.
Rèn luyện trung thực – bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Từ việc trích dẫn đúng nguồn tài liệu, nêu quan điểm cá nhân thay vì sao chép máy móc, đến việc thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong nhận thức. Đây đều là biểu hiện của một người học trung thực. Học viện Lục quân trong những năm qua đã tăng cường quản lý chất lượng nghiên cứu khoa học, xây dựng quy chế, phần mềm, công cụ chống sao chép, đạo văn, khuyến khích học viên viết bằng năng lực và trải nghiệm thực tiễn, thay vì “theo đuổi” hình thức.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân xác định “trung thực” là phẩm chất nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ “trung thành, trí tuệ, bản lĩnh” trong thời kỳ mới. Thông qua các buổi sinh hoạt, gặp gỡ học viên sau đại học, thủ trưởng Ban Giám đốc Học viên, cũng như chỉ đạo cơ quan chức năng, cán bộ đơn vị quản lý phải luôn chú trọng đạo đức nghiên cứu và khuyến khích học viên tự bồi dưỡng kỹ năng tư duy phản biện và trình bày chính kiến cá nhân. Đồng thời, Học viện thường xuyên tổ chức định kỳ các hội nghị khoa học, các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thụ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kỹ năng học thuật cho học viên đào tạo sau đại học.
Học viên đào tạo sau đại học cần nhận định rõ: “Trung thực không chỉ là đạo đức mà còn là năng lực”. Bởi, họ là những người đang và sẽ trở thành cán bộ chỉ huy, giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học quân sự thì trung thực là điều không thể thiếu. Không có trung thực, không thể có tri thức bền vững; không có trung thực, sẽ không có niềm tin; và không có trung thực, chắc chắn không thể có một người cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam đúng nghĩa. Vì vậy, giữ gìn và rèn luyện phẩm chất trung thực, chính là cách mỗi học viên đang góp phần xây dựng hình ảnh Học viện Lục quân ngày càng chính quy, hiện đại, trí tuệ và nhân văn./.
N.T.C.P.D