Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 242
Tháng 11 : 13.859
Tháng trước : 62.002
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng nhà nước trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” và sự vận dụng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam hiện nay

Cách nay 100 năm (1923 - 2023), V.I.Lênin đã viết tác phẩm “Thà ít mà tốt” để trình bày những tư tưởng cơ bản về xây dựng, củng cố nhà nước Xô viết vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế quốc dân, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân lao động; phá thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc, giúp đỡ phong trào cách mạng thế giới. Tư tưởng đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị vận dụng đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam hiện nay.

1. Tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng nhà nước trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”

V.I.Lênin đánh giá đúng tính chất, bản chất, vai trò, ý nghĩa lịch sử trọng đại của nhà nước Xô viết sau 5 năm thực hiện vai trò quản lý đất nước từ Cách mạng tháng Mười 1917. Người khẳng định: “Trong hàng mấy trăm năm nay người ta đã xây dựng lên những nhà nước theo kiểu tư sản và đây là lần đầu tiên, chúng ta đã tìm ra một hình thức nhà nước không phải tư sản… Dẫu cho bộ máy nhà nước của chúng ta còn kém cỏi, nhưng nó đã được sáng tạo ra, đó là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, một nhà nước kiểu vô sản đã được sáng tạo ra”. Đồng thời, V.I.Lênin cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của bộ máy Xô viết, đó là: quan liêu, thủ cựu, bảo thủ, không muốn đổi mới cái gì cả. Từ đó, Người đề ra những tư tưởng nhằm cải cách bộ máy nhà nước Xô viết nhằm đáp ứng với yêu cầu mới của cách mạng.

Thứ nhất, mục đích của việc cải tiến bộ máy nhà nước

/upload/61311/20231030/grab3dca3lenin.jpg

 

 

 

 

V.I.Lênin

V.I.Lênin đã chỉ ra mục đích của việc cải tiến bộ máy nhà nước Xô viết trên cả hai phương diện quốc gia và quốc tế. Về phương diện quốc gia, mục đích của cải tiến bộ máy nhà nước là nhằm bảo đảm cho nhà nước Xô viết thực sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở có đầy đủ năng lực quản lý, đưa nhà nước Nga từ sản xuất nhỏ, yếu kém, nông nghiệp lạc hậu tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Về phương diện quốc tế, V.I.Lênin đã nêu ra mục đích của cải tiến bộ máy nhà nước là nhằm xây dựng nhà nước vững mạnh, có thể đứng vững trước sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc và giúp đỡ các nước khác đưa cách mạng đến thành công.

Thứ hai, yêu cầu và điều kiện cải tiến bộ máy Xô viết

V.I.Lênin đặt ra yêu cầu: Một là, phải xây dựng được một nhà nước thực sự trong sạch và gương mẫu. Nhà nước đó phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công - nông. Hai là, Nhà nước Xô viết phải gọn nhẹ, có hiệu lực. Cán bộ, viên chức trong bộ máy nhà nước phải có phẩm chất và năng lực tốt. Phải qua thi cử và uy tín của bản thân; lựa chọn cán bộ theo phương châm “Thà ít mà tốt”, ít về số lượng nhưng chất lượng phải cao. Ba là, phải đổi mới thành phần của bộ máy Nhà nước bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong giai cấp công nhân và giới trí thức.

Từ những yêu cầu trên, Người cũng nêu lên hai điều kiện để xây dựng bộ máy nhà nước. Một là, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải có trình độ cần thiết, vì thế mỗi người phải tự nỗ lực, cố gắng học tập để nâng cao trình độ. Hai là, phải làm cho học thức đó không nằm trong giấy tờ hoặc chỉ là một lời nói theo mốt mà phải coi nó là bộ phận khăng khít của cuộc sống, ra sức học tập để phục vụ lợi ích chung. V.I.Lênin khẳng định: “Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa...”.

Thứ ba, phương châm và những phương pháp chủ yếu để củng cố bộ máy nhà nước 

V.I.Lênin nêu lên phương châm củng cố bộ máy nhà nước là “Thà ít mà tốt”. Tập trung vào xây dựng về chất lượng, lấy yêu cầu về chất lượng là yếu tố hàng đầu trong xây dựng bộ máy nhà nước. Cải tổ bộ máy nhà nước phải được tiến hành có trọng điểm, đó là Bộ dân ủy thanh tra công nông. Tiến hành vững chắc; thận trọng; tránh lề mề, kém hiệu quả. 

Những biện pháp để thực hiện có hiệu quả, đó là: Tăng cường công tác kiểm tra; củng cố quan điểm của Đảng và Nhà nước; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ lãnh đạo phải là người cộng sản ưu tú, phải có thi khảo sát trình độ, phải hiểu được quá trình vận hành của bộ máy nhà nước. Đồng thời, phải thanh lọc khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, những kẻ ăn hối lộ, những phần tử lạc lõng khác. 

Tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng bộ máy nhà nước trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Nó trang bị cho những người cộng sản lý luận về xây dựng nhà nước Xô viết đứng vững và phát triển. Tư tưởng đó có ý nghĩa quốc tế sâu sắc đối với các đảng mácxít, lêninnít trong lãnh đạo chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

2. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam hiện nay

Thấm nhuần tư tưởng của V.I.Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Đây là vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt, thống nhất nhận thức về sự cần thiết, nội dung, yêu cầu, biện pháp xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong Đảng, hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Do đó, phải làm tốt công tác quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị thực sự hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương, các cấp, các ngành. Kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Quá trình thực hiện phải gắn với thực tiễn, nghiên cứu, làm thí điểm để rút kinh nghiệm để có những chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện một cơ quan đảm nhiệm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ haitiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đây là yêu cầu bắt buộc, là giải pháp có tính đột phá trong xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, phải kiên quyết rà soát, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức trùng về chức năng, nhiệm vụ; không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể, sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả; không tăng đầu mối và biên chế. Xây dựng, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội... Xây dựng quy chế làm việc, quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, điều kiện, quy trình hợp lý để lựa chọn cán bộ, công chức. Sắp xếp lại bộ máy theo hướng hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; tinh giản biên chế, bỏ cấp trung gian, giảm cấp phó… Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành; đẩy mạnh việc tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động ở các đơn vị sự nghiệp.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng”, “vừa chuyên”, thực sự là công bộc của dân. 

Cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc; mọi việc thành công hay không đều do cán bộ tốt hay xấu. Bởi vậy, cùng với việc đổi mới, kiện toàn về mặt tổ chức, quy chế hoạt động, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết phải thực hiện tuyển dụng cán bộ khách quan, công tâm, công bằng, đúng tiêu chí, đúng người, đúng việc. Đề cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức. Tiến hành đào tạo, bồi dưỡng gắn với tự đào tạo, tự bồi dưỡng của cán bộ, công chức nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức chặt chẽ, công tâm, đúng người, đúng việc. Có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, tạo động lực cho họ cống hiến và phát triển để thu hút nhân tài tham gia bộ máy nhà nước. Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống, cán bộ có năng lực yếu kém hoặc rơi vào tha hóa, tham nhũng, lãng phí…

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Đây là nội dung, giải pháp có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, phải thực hiện nghiêm cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Các tổ chức Đảng cần lãnh đạo tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; tích cực, kiên quyết thực hiện đúng đường lối, chủ trương đề ra. Các cơ quan nhà nước ở cả Trung ương và địa phương phải tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài, xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, người đứng đầu có vi phạm. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan công quyền bảo đảm cho bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu tất yếu, là chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện thắng lợi chủ trương đó, cần sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc để xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

T.N.T

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập I.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

3. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2006, tập 45, tr. 442-460.

 

 


Tác giả: KMLNTTHCM. Trần Nho Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?