• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 304
Tháng 12 : 41.907
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam đã và đang được Nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang.

Nhằm đảm bảo tốt cuộc sống của thương binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng như: Sắc lệnh số 20-SL, ngày 16/2/1947, đặt ra “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”; Sắc lệnh số 58-SL, ngày 6/6/1947, đặt Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và quy định việc tặng thưởng cho cá nhân và tổ chức có công với nước. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh - Liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc.

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ - Hồ Chí Minh

Bác Hồ thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. (Ảnh tư liệu)

Trong lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948, Bác viết: “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó. Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần”. Trong Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh tháng 7 năm 1951, Bác khởi xướng công việc đón anh em thương binh về làng với những việc làm rất cụ thể. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Bác thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được”, “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đủ lắm rồi”. Nhân ngày 27 tháng 7 hằng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.

Tháng 9 năm 1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không? Một lần, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động. Chiếc điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của Phủ toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang nhà sàn). Khi các đồng chí phục vụ lắp điều hòa nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với Thư ký Vũ Kỳ: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm các cô chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”. Ngay hôm đó, chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác được chuyển đi để lắp phục vụ cho các chiến sĩ bị thương rất nặng. Đó là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người. Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ.

Mỗi lần đến nghĩa trang, đứng trước các ngôi mộ liệt sĩ, trước bia tưởng niệm “Tổ quốc ghi công”, Bác đều không cầm được nước mắt. Thay mặt cả dân tộc, Người bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các liệt sĩ, “Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.

 

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. (Ảnh tư liệu)

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1960), Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn công lao trời biển của các liệt sĩ, biến đau thương thành hành động cách mạng. Theo Bác, người chết vì Tổ quốc, hy sinh vì đồng bào, không phải là không còn gì, mà đã biến thành sức mạnh hòa trong sức mạnh cộng đồng lớn lao hơn, mãnh liệt hơn.

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu rất nhiều công việc cần phải quan tâm và thực hiện ngay trước mắt, cũng như lâu dài, để vừa mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tạo ra những động lực cho con người và xã hội của chế độ mới. Trong những bộn bề nhiệm vụ cần phải thực hiện, Người xác định: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Trong đó, Đảng, Chính phủ và nhân dân cần dành sự quan tâm trước tiên đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ. Người viết: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ: “mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ: “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả người trồng cây. Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kết thành sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện lời Bác dặn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa. Tháng 7 hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân, các cơ quan đơn vị trong Học viện tổ chức các hoạt động như: Tổ chức gặp, tặng quà các đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại Học viện; Thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Đà Lạt; Chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ và tham gia chương trình “Thắp nến tri ân, dâng hương, hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ”, tích cực tham gia Quỹ đền ơn đáp nghĩa . . . Việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được Nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi./.

P.C.C


Tác giả: KHCKT. Phạm Chí Công
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?