Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.593
Tháng 04 : 67.793
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại thắng Mùa xuân 1975 - thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng quan hệ chặt chẽ với nhau: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhằm mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội” (1)

Thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng ...

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bước ngoặt trong đường lối đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, là ngọn cờ vĩ đại tập hợp và cổ vũ nhân dân ta đoàn kết đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là cội nguồn của Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm để giành độc lập. Tuy nhiên, do hạn chế bởi lập trường giai cấp phong kiến nên nền độc lập mà nhân dân ta giành được chưa thực sự trọn vẹn và vững bền. Sức mạnh của dân tộc ta được phát huy cao độ mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, nhưng đến khi đất nước độc lập, thái bình thì động lực tinh thần ấy lại bị triệt tiêu dần bởi những hạn chế cố hữu của chế độ phong kiến. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, từ trong bóng đêm nô lệ liên tiếp nổ ra các phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc nhưng đều thất bại, chứng tỏ đường lối của các phong trào đó chưa phản ánh được lợi ích chân chính và cấp thiết của dân tộc Việt Nam. Đến cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trên cơ sở lợi ích của giai cấp công nhân cơ bản thống nhất với lợi ích dân tộc, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng đề ra và lãnh đạo đã được đông đảo mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân tin tưởng, chấp nhận, đi nhanh vào đời sống, trở thành ngọn cờ vĩ đại kết hợp chặt chẽ, biện chứng hai tiến trình cách mạng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ làm nên những niềm tự hào to lớn nhất, mở ra tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.

Chúng ta sẽ cắt nghĩa thế nào hình ảnh những người dân miền Nam ngày đêm “nếm mật nằm gai”, không quản hy sinh tính mạng, sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống xâm lược, ủng hộ quân giải phóng? Hình ảnh những người mẹ, người vợ miền Bắc âm thầm chịu đựng sự xa cách, nhớ nhung, nén tình cảm riêng, động viên chồng, con làm tròn nhiệm vụ chiến đấu nơi tiền tuyến? Hình ảnh những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu), tất cả đã toát lên một ý chí quyết tâm cao độ, một tinh thần lạc quan chưa từng thấy mặc dù trước mắt họ là đầy dẫy những gian khổ, hy sinh? Cả một dân tộc bừng bừng khí thế thi đua theo tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”. Hiếm có thời nào ở nước ta, các phong trào thi đua lại nở rộ và lan tỏa nhanh như trong thời chống Mỹ. “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, Cờ Ba nhất”, “Ba đảm đang”, Ba sẵn sàng”… là những phong trào nổi bật còn in dấu sâu đậm đến mãi tận hôm nay.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước đã anh dũng chiến đấu quên mình, xả thân vì nghĩa lớn. Trước ngưỡng cửa của ngày đại thắng, họ vẫn sẵn sàng hy sinh, không mảy may suy tính, đắn đo vì lợi ích cá nhân mình. Cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc, những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, dũng mãnh tiến về giải phóng Sài Gòn với khí thế thần tốc “một ngày bằng hai mươi năm” đã làm cho quân thù khiếp đảm, bộ máy chính trị, quân sự của chúng tan rã từng mảng lớn và sụp đổ nhanh chóng. Vậy là, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã đi vào đời sống xã hội Việt Nam, biến thành sức mạnh vĩ đại, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách đến với ngày chiến thắng vẻ vang. Ở nước ta, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội, đồng thời chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Bằng việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tự giác đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong quỹ đạo của cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, được dư luận thế giới ủng hộ mạnh mẽ và sâu rộng.

Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là sự nghiệp sáng ngời chính nghĩa, luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, giúp đỡ chân tình và đầy hiệu quả của bạn bè quốc tế, các nước anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ở thời kỳ đó, đã hình thành một Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Các cuộc đấu tranh diễn ra ở khắp nơi với hình thức đa dạng và đặc biệt là nó còn diễn ra ngay trong nội bộ nước Mỹ. Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã trở thành nơi hội tụ của tình đoàn kết quốc tế, nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, vững tin chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Trong khi dồn sức đấu tranh giải phóng đất nước mình, chúng ta vẫn tích cực giúp hai nước bạn Lào và Campuchia anh em làm cách mạng, giải phóng nhân dân thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và tay sai. Đáp lại, các bạn Lào và Campuchia đã phối hợp cùng chúng ta mở các mặt trận để phân tán và tiêu hao lực lượng địch, tạo thế cho tổng tiến công quân địch trên toàn chiến trường Đông Dương. Địa bàn hai nước Lào và Campuchia cũng là cầu nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, cùng với hệ thống đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển góp phần làm cho mạch giao thông tiếp vận từ Bắc vào Nam không bao giờ gián đoạn, mặc cho quân địch ra sức đánh phá, ngăn chặn, kể cả khi chúng điên cuồng sử dụng những thủ đoạn đê hèn, tồi tệ nhất.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo ra cục diện thế giới mới sau Việt Nam, cổ vũ nhiều nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh thoát khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc, tự nguyện đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi vĩ đại ấy cũng đã giáng một đòn mạnh vào ý chí của kẻ xâm lược, góp phần đẩy lùi các hành động gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: chủ nghĩa đế quốc không còn có thể tùy tiện áp đặt, nô dịch đối với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới! Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son ghi dấu cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã hòa cùng và góp phần quan trọng làm nên thế “nước dâng thác đổ” của ba dòng thác cách mạng trên thế giới trong thế kỷ XX.

Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện hết sức sáng tạo, là điển hình của việc vận dụng tư tưởng cách mạng không ngừng trong tiến trình cách mạng ở nước ta.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào, do Mỹ và chế độ tay sai kiểm soát, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước như vậy vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đã xác định rõ và bắt tay ngay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội khi chỉ một nửa nước có độc lập, tự do. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những bước đi đầu tiên mang tính tìm tòi, thử nghiệm về mô hình chủ nghĩa xã hội đã được triển khai trên miền Bắc trong điều kiện nhiệm vụ bao trùm của cả nước vẫn là chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trên thực tế, miền Bắc đã làm rất tốt nhiệm vụ của hậu phương lớn, xứng đáng là căn cứ địa cách mạng của cả nước, đã chứng tỏ tính ưu việt và sức mạnh vô địch của chế độ xã hội chủ nghĩa, khẳng định tư tưởng cách mạng không ngừng được thể hiện trong đường lối cách mạng Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn.

Bằng thắng lợi của những kế hoạch 5 năm được đề ra cho từng giai đoạn, miền Bắc chẳng những đã sản xuất ra nhiều của cải vật chất cung cấp cho tiền tuyến mà còn kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp. Ở đó hình mẫu con người mới, sống có lý tưởng được hình thành, phương châm sống đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, những giá trị nhân văn trong cuộc sống được tôn vinh. Những mối quan hệ xã hội tốt đẹp là động lực to lớn thôi thúc mỗi người hăng hái thi đua chiến đấu, lao động, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng sớm, ngay sau khi hòa bình lập lại (năm 1954) đã tạo điều kiện và tiềm năng cho miền Bắc làm tròn vai trò hậu phương lớn, chẳng những cung cấp nhân lực, vật lực cho tiền tuyến mà còn góp phần quyết định vào việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền cách mạng cho miền Nam, không để xảy ra “khoảng trống quyền lực” ở các địa phương mới được giải phóng, hạn chế thấp nhất tình trạng lợi dụng cướp bóc, phá phách lúc giao thời, đặc biệt là kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch cài cắm các tổ chức phản động ở lại hòng chống phá lâu dài cách mạng nước ta.

Ngày nay, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một bài học kinh nghiệm lớn, một vấn đề có tính nguyên tắc, là sự kế thừa và phát huy những thành quả mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong quá trình cách mạng.

Sự nghiệp đổi mới trải hơn 30 năm đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác định rõ hơn. Thành công đó xuất phát từ chỗ Đảng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự kế thừa đường lối cách mạng đúng đắn đã được khảo nghiệm trong suốt quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cả lý luận và thực tiễn phong phú của cách mạng đều chỉ ra rằng phát triển, đi lên là một quá trình tìm tòi, thử nghiệm công phu, có thành công và cũng không tránh khỏi những sai lầm, vấp váp. Nhưng kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một vấn đề có tính nguyên tắc, như “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” định hướng và bảo đảm thành công cho toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.

Theo đó, bất kỳ một thái độ bi quan, dao động nào trước những khó khăn, thất bại tạm thời của cách mạng chúng ta cũng cần kịp thời đấu tranh, phê phán. Đó là thái độ hoài nghi về tương lai của chủ nghĩa xã hội khi Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, thậm chí có người đã bị “mất tinh thần, thoái chí, phân liệt, chạy dài” (theo cách nói của V.I.Lênin); là sự ngộ nhận về sự thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản, từ đó quay sang cổ xúy cho những biểu hiện thay đổi nhất thời của chúng. Đáng chú ý, có quan điểm cho rằng chúng ta nên từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chấp nhận đi theo con đường tư bản chủ nghĩa; có quan điểm lại “khuyên” chúng ta nên “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân mà lịch sử đã vượt qua vì họ cho rằng ở đó chúng ta còn nhiều việc chưa làm xong. Tất cả những quan điểm đó thực chất là sự cố ý xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm phủ định các thành tựu của cách mạng, phủ định công lao của hàng chục triệu đồng bào ta từ Bắc chí Nam dưới ngọn cờ đại nghĩa do Đảng lãnh đạo đã phát huy cao độ truyền thống anh hùng bất khuất, chiến đấu hy sinh ròng rã mấy chục năm trời để có được một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do, ngày càng giàu mạnh, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Nhớ về Đại thắng mùa Xuân 1975, kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cùng ôn lại và thấm nhuần sâu sắc bài học giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua những năm tháng hào hùng, làm nên những chiến công vang dội, “ngọn cờ vinh quang mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau (2).

---

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H., 1977, tr.11-12.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr.65.

 


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Trường Sơn
Nguồn:Dai PTTH Lam Dong Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?