Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 847
Tháng 04 : 70.813
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam và ý nghĩa đối với quân nhân trong Quân đội ta hiện nay

Mười lời thề danh dự của quân nhân là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo suốt cuộc đời mỗi người chiến sĩ là những âm vang của Mười lời thề danh dự.

Ngược dòng lịch sử, trở về chiến khu Việt Bắc, nơi lần đầu tiên Mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên. Vào ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm (tên thật là Từ Mạc Thạch) làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng (tên thật là Trần Văn Kỳ) làm chính trị viên.

Ngày 22/12/1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự. Nội dung “Mười lời thề” được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, soạn thảo. Nội dung cơ bản của Mười lời tuyên thệ được giữ nguyên cho đến ngày nay. Một số chi tiết nhỏ được thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử.

Sau lời tuyên bố của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại diện của Liên tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương cũng lên chúc mừng Đội bằng những lời lẽ cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu. Kế đó, lễ tuyên thệ của Đội diễn ra. Mười lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn vang lên lần lượt cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá. Mười lời thề đó cũng là nguồn gốc của Mười lời thề danh dự của quân nhân hiện nay… Sau này, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, có tham khảo lời thề danh dự của Quân đội nước ngoài, trong đó có lời thề danh dự của FFI (Forces francaises de l'Intérieur, nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ hai) và của quân giải phóng Nam Tư”.

/upload/61311/20240119/grab95d5e22_12gia_phong_quan_nongnghiep_200027_563.jpg

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập

“Mười lời thề danh dự của quân nhân” của Quân đội nhân dân Việt Nam là lời tuyên thệ của tân binh, được đọc trong lễ chào cờ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nghi thức và Mười lời thề này đã trở thành truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu thành lập tới nay. Không chỉ người quân nhân được giao nhiệm vụ phải khắc cốt ghi tâm “Mười lời thề danh dự” mà bất kỳ ai đã là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam đều thuộc từng câu từng chữ.

Ngày 24/5/1947, tại Hội nghị Dân quân, tự vệ, du kích toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Định Quán, Định Hoá, Bắc Cạn; Tổng Quân uỷ Quân đội Quốc gia và dân quân (tên gọi Quân đội nhân nhân dân Việt Nam thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp) đã công bố Sắc lệnh của Chính phủ ban hành Mười lời thề danh dự và Mười hai điều kỷ luật dân vận của đội viên dân quân, tự vệ và du kích.

Tháng 6/1947, Cục Chính trị - Quân đội Quốc gia và dân quân xuất bản tài liệu “44 câu hỏi về kháng chiến” trong đó công bố thêm các văn kiện mới ban hành cùng với Mười lời thề nói trên gồm có: “Mười hai điều kỷ luật dân vận của quân nhân” và “Mười lăm điều bí mật quân sự”. Các văn kiện này đều được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và các đội viên dân quân, tự vệ và du kích học thuộc lòng.

Việc tuyên thệ bằng Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định bằng pháp luật. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Điều 10) và Luật Nghĩa vụ quân sự (Điều 8) đều có quy định: “Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị phải tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, Nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thể chế hoá các điều trên đây trong Điều lệnh nội vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xét trên hai bình diện chính yếu: Văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức, mười lời thề danh dự đều đạt mức độ đỉnh cao. Tập trung trước hết ở chỗ, mời lời thề là điều tâm nguyện thiêng liêng thể hiện phẩm giá của quân nhân, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là sự khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, có vị thế đầy vinh dự và trách nhiệm, định hướng cho Quân đội và mọi quân nhân thực hiện mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phần lớn nội dung Mười lời thề danh dự của quân nhân là những lời tâm huyết của tự thân người chiến sĩ đối với những vấn đề căn bản của văn hóa quân nhân - hình thái đặc biệt của văn hóa làm người nói chung. Bảo đảm cho mọi quân nhân trong Quân đội lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Nhân dân; có ý thức về danh dự và phẩm giá; tinh thần bất khuất trước kẻ thù; xây dựng cho quân nhân có tình cảm đẹp và ý chí cách mạng; quan hệ cấp dưới với cấp trên trong sáng, chính là “quân lệnh như sơn”; tình đồng đội như ruột thịt… Những vấn đề tốt đẹp trên tạo nên sự khác biệt về bản chất giữa “Bộ đội Cụ Hồ” với quân đội của giai cấp tư sản, những kẻ đánh thuê vì mục đích lợi nhuận và tham vọng bá quyền.

“Mười lời thề danh dự của quân nhân” hiện nay so với Mười lời thề danh dự của quân nhân mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo về cơ bản nội dung vẫn được giữ nguyên giá trị. Điều này chứng tỏ tầm nhìn bao quát từ quá khứ đến tương lai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trải qua gần 80 năm nhưng “Mười lời thề” vẫn là cơ sở nền tảng định hướng cho người quân nhân trong mỗi hành động đời thường cũng như khi đối mặt với kẻ thù, nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó./.


Tác giả: KMLNTTHCM. Đoàn Mạnh Đồng
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?