Một số giải pháp bảo vệ bản quyền kỹ thuật số trong tài liệu, giáo trình tại Học viện Lục quân
Xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, đi kèm với những lợi ích mà nó mang lại, thì bản quyền là vấn đề cần được quan tâm mà công tác thư viện nói riêng, nghiên cứu khoa học nói chung cần phải giải quyết để vừa đảm bảo pháp luật, đảm bảo lợi ích của tác giả và vừa thực hiện tốt chức năng truyền tải kiến thức, hỗ trợ người học, người nghiên cứu tiếp cận thông tin, tri thức.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc các tác phẩm dễ dàng được sao chép và phân phối trên môi trường số đã gây khó khăn cho việc ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền. Về cơ bản, các tài liệu, giáo trình kỹ thuật số được biên soạn, trình bày dưới các định dạng tập tin cơ bản: *.docx (Microsoft Word), *pptx (Microsoft PowerPoint) và *.pdf (Portable Document Fomat). Cơ chế bảo mật của các định dạng này gồm hai loại chính: mật khẩu mở tập tin - yêu cầu mật khẩu để xem được nội dung bên trong và mật khẩu chỉnh sửa tập tin - cho xem, nhưng yêu cầu mật khẩu để thao tác chỉnh sửa, sao chép, in ấn…
Với phương pháp bảo mật thứ nhất, nếu người dùng thiết lập mật khẩu đủ an toàn (độ dài từ 10 kí tự trở lên, bao gồm chữ cái, số và kí tự đặc biệt) thì gần như không thể bị truy cập trái phép. Nhưng phương pháp này lại không có tác dụng trong việc chia sẻ cho người khác, hay hạn chế chỉnh sửa, sao chép trong công tác thư viện, nghiên cứu khoa học.
So sánh bảo mật tập tin, tài liệu bằng DRM và bảo mật tập tin thông thường
Đối với phương pháp bảo mật thứ hai, phục vụ rất tốt trong công tác chia sẻ và bảo vệ tác quyền của tác giả, hạn chế được việc sao chép, in ấn hay sửa đổi thông tin tác giả, tác quyền đối với tài liệu, giáo trình. Tuy vậy, có rất nhiều trang web, dịch vụ hỗ trợ mở khóa những tài liệu này cho dù người dùng có đặt mật khẩu mạnh đến đâu. Nguyên nhân là do cơ chế hoạt động của kiểu bảo mật này đang tồn tại lỗ hổng không thể khắc phục.
Để vấn đề bản quyền kỹ thuật số được thực thi có hiệu quả, một số giải pháp có thể được thực hiện, bao gồm:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với công tác nghiên cứu khoa học và thư viện.
- Có cơ chế, chính sách bảo vệ quyền tác giả và những biện pháp nhằm xử lý hành vi vi phạm bản quyền, sao chép, đạo văn các tài liệu, giáo trình.
- Áp dụng kiểm soát bằng công nghệ, thông qua một loạt các giải pháp phần cứng kết hợp với phần mềm:
+ Công nghệ Quản lý quyền kỹ thuật số (DRM - Digital Rights Management): là một chuỗi các công nghệ kiểm soát truy cập nhằm hạn chế vi phạm về quyền sở hữu các nội dung số có bản quyền, như: giới hạn quyền sử dụng theo tài khoản, theo địa chỉ IP, MAC; chỉ cho đọc trực tiếp, trực tuyến, không cho phép tải xuống, dùng giải pháp công nghệ hạn chế việc chụp màn hình trang tài liệu hiển thị trên máy tính; chèn thông tin bản quyền trong siêu dữ liệu (metadata) của mỗi tài liệu.
+ Công nghệ Đánh dấu Thủy vân số (Digital Watermarking): nhúng thông tin bản quyền vào trong tài liệu, giúp xác nhận thông tin bản quyền khi có tranh chấp.
+ Công nghệ Ngôn ngữ đánh dấu quyền mở rộng (XRML - Extensite Right Markup Language).
+ Công nghệ chuỗi khối (Block chain).
- Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho mọi cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Học viện hiểu rõ tầm quan trọng của bản quyền, liêm chính khoa học trong công tác nghiên cứu khoa học và công tác thư viện.
Tóm lại, để bản quyền kỹ thuật số của tác giả được bảo mật tốt và thực hiện hiện chức năng cho người dùng được nghiên cứu, học tập hiệu quả, thì một số giải pháp nêu trên cần được thực hiện nghiêm túc và triệt để trong công tác bảo đảm của thư viện nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung của Học viện Lục quân./.
PLD