Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.251
Tháng 10 : 12.390
Tháng trước : 66.035
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã bài học về công tác bảo đảm hậu cần còn nguyên giá trị

Chiến dịch tiến công Bình Giã diễn ra từ ngày 02 tháng 12 năm 1964 đến ngày 03 tháng 01 năm 1965 trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Thuận. Đây là lần đầu tiên Bộ Chỉ huy Miền tập trung lực lượng lớn, cơ động chiến đấu trên địa bàn rộng, xa hậu phương nên công tác bảo đảm hậu cần được xác định là khâu quan trọng. Khắc phục mọi khó khăn, ngành hậu cần Miền đã kịp thời bảo đảm hậu cần cho mọi hoạt động của các lực lượng tham gia chiến dịch và trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng vang dội.

Chiến dịch Bình Giã là một thực tiễn sinh động cho các lực lượng vũ trang B2 rút ra nhiều bài học quý giá, một trong những bài học đó là: Kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân trong chiến dịch.

Vận dụng phương thức bảo đảm này, chỉ qua 4 tháng chuẩn bị, hậu cần đã đảm bảo cho chiến dịch 500 tấn lương thực, trên 500 tấn vũ khí đạn dược, 2 bệnh viện dã chiến và 1 đội phẫu cơ động với 300 giường bệnh, đủ thuốc cho 600 thương binh; khi kết thúc chiến dịch, đạn, gạo, thuốc đều còn dư là điều rất có ý nghĩa đối với lực lượng vũ trang quân khu còn ở lại chiến trường hoạt động.

Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, đồng chí Nguyễn Văn Hương (Sáu Hương), Trưởng phòng Tham mưu Cục Hậu cần Miền được cử làm Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch. Quá trình chuẩn bị, Hậu cần chiến dịch sử dụng lực lượng của Ban Quân nhu Khu B làm nòng cốt, kết hợp với Hậu cần Quân khu 7, Hậu cần Tỉnh đội Bà Rịa với các đoàn hậu cần và 2.000 dân công được huy động làm công tác bảo đảm. Ngày 10 tháng 12 năm 1964, Cục Hậu cần Miền được thành lập, bốn khu vực hậu cần (A, B, C, E) trực thuộc Cục, được bổ sung lực lượng cho các ngành quân nhu, quân y, quân giới, vận tải và chuyển thành “Đoàn hậu cần khu vực”. Khu A chuyển thành Đoàn hậu cần 81 (Đoàn 81), Khu B là Đoàn hậu cần 82 (Đoàn 82), Khu C là Đoàn hậu cần 83 (Đoàn 83), Đoàn 1500, Đoàn K10. Các đoàn hậu cần Miền và quân khu dựa vào địa phương để huy động nhân vật lực trong vùng giải phóng, vùng tạm chiếm, đồng thời khẩn trương tiếp nhận nguồn vũ khí chi viện của Trung ương.

Trong quá trình chuẩn bị vật chất cho chiến dịch, khó khăn lớn nhất là vấn đề tạo nguồn lương thực. Trung ương Cục xác định người và lương thực có vai trò “quyết định đến tác chiến”. Trong khi đó các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh là vùng đồi núi ven biển, đời sống nhân dân còn nghèo. Nguồn lương thực có thể cung cấp cho chiến dịch tập trung chủ yếu ở các huyện Long Đất, Châu Thành nhưng lại bị địch kiểm soát khá gắt gao. Ở đây, địch không cho lưu thông gạo tự do, mỗi hộ dân có một số gạo và chỉ được mua đủ số lương thực do chúng khống chế. Do vậy, công tác bảo đảm ăn cho một chiến dịch lớn, dài ngày với quân số đông rất khó khăn, trong khi đó lực lượng hậu cần của chiến trường chưa có kinh nghiệm tổ chức bảo đảm cho tác chiến chiến dịch.

Sơ đồ tiến công chiến dịch Bình Giã (từ 2-12-1964 đến 3-1-1965). (Nguồn: Internet).

Để giải quyết vấn đề này, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng hậu cần chiến dịch, dựa vào dân, tổ chức khai thác sức mạnh trong quân chúng cách mạng, làm cơ sở cho việc tiến hành công tác chuẩn bị. Dự kiến thu mua dự trữ gạo, muối theo quy định ở các vùng Phước Chí, Hắc Dịch, Anh Mao, Nam Mây Tàu, Bến Kẽ, Phước Thọ và khu vực Đoàn 1500. 

Với sự nỗ lực, chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đến ngày 20 tháng 11 năm 1964, về cơ bản ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị, trong đó, vận chuyển được 500 tấn vũ khí, hơn 500 tấn lương thực..., kịp thời bảo đảm cho các đơn vị vào vị trí tập kết đúng quy định: Trung đoàn 761 ở Nam Xuân Sơn, Trung đoàn 762 ở Đông Nam núi Nghệ, pháo binh ở Vạn Kiếp và Tây Bắc Đức Thạnh; Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở núi Nưa. Đến trước ngày bộ đội nổ súng, chiến dịch đã chuẩn bị sẵn ở khu kho Hắc Dịch được 300 tấn vũ khí, đạn dược. Số vũ khí này là do miền Bắc chi viện bằng đường biển vào.

 

Vận chuyển khí tài cho chiến dịch tiến công Bình Giã. (Nguồn: Internet).

Về bảo đảm quân y, trong chiến dịch đã có cuộc vận động nuôi quân phòng bệnh có tác dụng tốt bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong suốt cả chiến dịch. Chiến dịch tổ chức ra cơ quan quân y, dựa vào cơ sở, phối hợp với y tế tỉnh, huyện trên địa bàn triển khai lực lượng bảo đảm phục vụ chiến dịch. Quân y sử dụng 3 đội phẫu Khu E và lực lượng của Miền tăng cường, tổ chức ra đội phẫu cơ động và bệnh viện dã chiến với 300 giường có đủ thuốc và máu khô cứu chữa cho 600 thương binh. Tỉnh Bà Rịa sử dụng 1 bệnh xá và 80 học viên lớp y tá, tổ chức thành 2 bệnh viện dã chiến, bố trí trên hướng Đông và hướng Tây Đường số 2 của chiến dịch.

Trong quá trình chiến dịch, được sự chi viện kịp thời của hậu cần Miền và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, lực lượng hậu cần còn móc nối với các thương gia trong thành phố Sài Gòn - Gia Định để thu mua thóc gạo, thực phẩm và sử dụng xe ô tô, xe lam của tư nhân vận chuyển từ thành phố đưa lên Bà Rịa. Ở những nơi xung yếu, ta bố trí lực lượng binh vận, khống chế làm vô hiệu hóa những đồn bốt, tháp canh của địch. Khu vực gần thị xã Bà Rịa trên Đường số 2 là nơi tiếp nhận nhộn nhịp nhất. Gạo, thực phẩm đóng bao được chất thành từng đống ở bìa rừng để đêm xuống từng đoàn xe bò, xe máy có rơ moóc chuyển về các điểm kho quy định. Trên Đường số 1, ta tổ chức lực lượng chặn đánh các đoàn “công-voa" chở hàng tiếp tế của quân đội Sài Gòn. Có lần ta thu của chúng hàng chục xe gạo, bột mì và nhiều nhu yếu phẩm khác. Trong chiến dịch, bộ đội và nhân dân chuyển 660 chuyến xe đạp thồ được 60 tấn, 132 chuyến thuyền được 67 tấn, nhân dân chuyển 1.450 chuyến xe bò được 276 tấn. Đội xe C63 (Đoàn 81) vận chuyển được 500 tấn vật chất chủ yếu là gạo, giao cho quân nhu khu E ở khu vực sông Đồng Nai. Cán bộ binh vận móc nối và tranh thủ được một số sĩ quan quân đội Sài Gòn, dùng xe vận tải quân sự của chúng chở gạo từ Sài Gòn và thị xã Bà Rịa đến địa điểm tiếp nhận bằng cách hợp pháp được 200 tấn.

Kết thúc chiến dịch, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 tên địch, bắt gần 300 tên, bắn rơi, phá hỏng 56 máy bay (chủ yếu là máy bay trực thăng), phá hủy 43 xe quân sự (phần lớn là xe thiết giáp M113) và 2 xe tăng M41, thu hơn 1.000 súng các loại và gần 100 máy thông tin, trên 5 vạn viên đạn...

Trong chiến dịch, bộ đội ta đã vận dụng linh hoạt phương pháp bảo đảm tác chiến chiến dịch, phát huy sức mạnh của ba thứ quân để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau. Trong Chiến dịch Bình Giã, lần đầu tiên ở Nam Bộ, tổ chức hậu cần triển khai tương đối đồng bộ các ngành nghiệp vụ bảo đảm, các cơ sở kho tàng, bệnh xá, quân giới... Lực lượng chiến dịch đã chuẩn bị và bảo đảm cho toàn bộ chiến dịch được 750 tấn lương thực thực phẩm, trong đó có 250 tấn khai thác từ trong thành phố Sài Gòn - Gia Định, vượt so với kế hoạch ban đầu. Sau chiến dịch, hậu cần chiến dịch còn thừa gần 100 tấn gạo, trên 200 cơ số thuốc cứu thương giao lại cho hậu cần Quân khu 7. Qua chiến dịch này, ngành hậu cần Miền đã rút nhiều kinh nghiệm quý trong việc tổ chức lực lượng, bố trí kho trạm, thực hành bảo đảm cho hoạt động quy mô lớn của bộ đội, đặc biệt là công tác hiệp đồng giữa các lực lượng, dựa chắc vào dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng chung lo nhiệm vụ.

Ngày nay nghiên cứu công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch đều được đúc rút, kế thừa kinh nghiệm công tác bảo đảm hậu cần từ các chiến dịch trong chiến tranh giải phóng trước đây, đặc biệt là công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Bình Giã. Vận dụng vào quá trình huấn luyện tại Học viện Lục quân, giảng viên Khoa Hậu cần - Kỹ thuật ngoài việc truyền đạt các kiến thức về bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch còn giới thiệu cho học viên những chiến lệ trong thực tiễn mà các thế hệ cha anh chúng ta đã có được, đó là những bài học vô cùng quý giá, trang bị cho học viên về niềm tin về kiến thức, kinh nghiệm bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cũng như niềm tin về nghệ thuật quân sự Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, quân dân đoàn kết nhất định giành mọi thắng lợi./.

V.V.T

Tài liệu tham khảo:

Viện Lịch sử quân sự Việt nam, Chiến dịch tiến công Bình Giã Đông Xuân 1964 - 1965, Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, năm 1988.

Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975) NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

Quân khu 7, Lịch sử Ngành kỹ thuật Quân khu 7 - miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb Quân độ nhân dân, Hà Nội, năm 1997.


Tác giả: KHCKT. Vũ Văn Thông
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?