Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 94
Tháng 04 : 68.591
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu cần Quân đội – thầm lặng mà vinh quang

Một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực lượng anh hùng đã góp phần trong các cuộc kháng chiến cứu nước và đang góp phần xây dựng đất nước, quân đội ngày nay.

Nhắc tới quân đội, rất nhiều người hình dung tới hình ảnh các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ đang ngày đêm cầm súng gác nơi biên giới, hải đảo, hay trực tiếp hơn, là cảnh những anh hùng đã dũng cảm chiến đấu đêm ngày để mang lại hòa bình cho dân tộc, là những cuộc chiến tranh khốc liệt trên mặt trận bảo vệ tổ quốc. Vậy, liệu có ai nhớ tới hình ảnh các anh chiến sĩ hậu cần, các “anh nuôi” đang đào bếp hoàng cầm, đang chặt củi nhóm lửa, thổi cơm cho bộ đội, có ai nhìn thấy hình ảnh họ tiếp tế từng viên đạn, từng bi đông nước, từng viên thuốc, tấc vải tới nơi mặt trận sa trường, và máu của họ, cũng có phần nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc ta ngày hôm nay.

Không thể phủ nhận, là sự cống hiến của bộ đội hậu cần có phần thầm lặng hơn, song vai trò và sự đóng góp của họ luôn được Đảng và nhân dân ghi nhận.

Các chiến sĩ tích cực tăng gia sản xuất

Còn nhớ lúc đất nước đang thời kì kháng chiến, ai ai cũng xung phong ra mặt trận đánh giặc, cho thỏa sức trai, cho xứng với lòng căm thù quân xâm lược. Thời bấy giờ, nói chung tâm lý bộ đội rất ngại làm công việc cung cấp, cho rằng công việc cung cấp vất vả mà ít có điều kiện lập thành tích như cán bộ trên mặt trận. Chẳng có người nào muốn ở hậu phương, làm công tác hậu cần, nấu cơm, vá áo cho bộ đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán tư tưởng này như một quan điểm sai lệch về ngành hậu cần thời đó, những tư tưởng cho rằng cung cấp là một công việc vất vả, tầm thường, suốt ngày chỉ cơm, áo, gạo, tiền, dễ bị mang tiếng hủ hóa và khó gây được thành tích như cán bộ chỉ huy đơn vị. Vất vả thì đúng là vất vả, thậm chí rất vất vả, nhưng không hề tầm thường, mà có vai trò quan trọng không kém người trực tiếp cầm súng nơi sa trường. Còn hủ hóa hay không, cái chính là tấm lòng, tấm gương đạo đức của cán bộ hậu cần, có vì mục tiêu tất cả vì bộ đội, hết lòng thương yêu bộ đội hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong thư gửi ngành cung cấp: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận, cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Bác cũng chỉ rõ: “Các chú phải làm như thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng tới chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”.

Những chiếc xe đạp thồ chở lương tới mặt trận Điện Biên Phủ

Trong lịch sử quân sự thế giới nói chung và dân tộc ta nói riêng, hậu cần luôn có vị trí quan trọng trong mọi cuộc chiến tranh từ thô sơ tới hiện đại. Không ít trường hợp vì thiếu hụt lương thảo, vận chuyển khó khăn mà phải bãi binh, lui binh, thậm chí là thua trận với thương vong vô cùng nặng nề. Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm nào, công tác hậu cần đã góp phần tạo nên kì tích vẻ vang lẫy lừng chấn động khắp năm Châu của nhân dân Việt nam ta, là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Có thể kể đến tổng khối lượng cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn. Khối lượng vận chuyển trong chiến dịch là 4.450.000tấn/km, gấp 36 lần khối lượng vận chuyển trong chiến dịch Biên giới. Làm mới 89km và sửa chữa, củng cố 500km đường… Có thể thấy, những chiến công mà ngành hậu cần đạt được, tuyệt đối là vẻ vang và có vai trò vô cùng quan trọng.

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL về việc ấn định các cơ quan chức năng của bộ Tổng Tư lệnh quân đội Quốc gia gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Với việc ban hành  Sắc lệnh này, Tổng cục Cung cấp (tiền thân của Tổng cục Hậu cần), có vai trò: “ Quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng”. Ngành Cung cấp thời đó là sợi dây nối liền tiền phương và hậu phương, vậy ngành Hậu cần thời nay, sợi dây đó có mất đi chăng, hay đã trở nên cứng cáp, mạnh mẽ và hiệu quả hơn trước gấp nhiều lần, đã vươn tới từng đơn vị, từng chiến sĩ, và gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện phát triển hậu cần nhân dân ngày một bền chặt như lời Bác đã căn dặn năm xưa.

Bếp hoàng cầm phục vụ bộ đội chiến đấu

Trong thời bình, khi mà đất nước đang trên đà phát triển kinh tế song cũng phải đối mặt với những nguy cơ xâm phạm về chính trị, bờ cõi bất cứ lúc nào, chúng ta luôn phải phấn đấu, xây dựng quân đội thật hùng mạnh, tiên tiến, để bảo vệ độc lập tự do dân tộc, bảo vệ những gì mà ông cha ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu mới có được. Ngành Hậu cần Quân đội trong thời kì này lại càng quan trọng, càng có vai trò then chốt trong công tác chuẩn bị, và sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống xảy ra.

Ngành Hậu cần Quân đội ngày càng phát triển, hiện đại

Ngành Hậu cần Quân đội đã thực sự lớn mạnh, luôn đáp ứng bảo đảm, duy trì cho hoạt động thường xuyên, phát triển cũng như sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Trong nhiều năm qua, ngành Hậu cần đã tập trung đột phá vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác hậu cần, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ: Sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, phòng chống cháy nổ, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy ngành Hậu cần; chấp hành nghiêm các chế độ trực, giữ an toàn cơ quan, đơn vị, kho trạm hậu cần; giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.

Học viện Lục quân ngày càng hoàn thiện các mô hình hậu cần hiện đại

Tại Học viện Lục quân anh hùng, nơi đào tạo những sĩ quan tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn lục quân và chuyên ngành những người đang viết tiếp trang sử Hậu cần thầm lặng mà vẻ vang này chính là những cán bộ, nhân viên của Phòng Hậu cần, Ban Tài chính và các cán bộ làm công tác kế toán bảo đảm cho cơ quan, đơn vị. Với tinh thần trách nhiệm cao, luôn tích cực học hỏi, đổi mới, các cán bộ, nhân viên có quyền để tự hào về những thành tích đã đạt được, về sự bảo đảm đúng đủ, kịp thời cho mọi nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị, góp phần xây dựng Học viện ngày càng hiện đại, chính quy, tinh nhuệ. Luôn tâm huyết trong công việc, với tinh thần phục vụ bộ đội trong từng bữa ăn, chốn ở.

Toàn Học viện quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao

Thực hiện và làm theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần tại Học viện Lục quân luôn quán triệt tư tưởng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn, quyết tâm hoàn thành mọi mặt về hậu cần cũng như các công tác khác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao./.

N.Đ.D


Tác giả: BTC. Nguyễn Đức Dũng
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?