Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.012
Tháng 04 : 39.850
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải quân nhân dân Việt Nam 65 năm “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng” (7/5/1955-7/5/2020)

Với tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngay từ đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Bác Hồ đã ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Nguyễn Văn Khương được cử làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Việt làm Chính trị viên.

Ban Nghiên cứu Thủy quân có 3 bộ phận chuyên môn là: Hàng hải, Thông tin hàng hải, Điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quân sự, hậu cần. Nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Thủy quân là nghiên cứu phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng Thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện tại (kháng chiến chống Pháp) và trong tương lai. Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viên hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu; tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủy quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải. Trước đó, khi nghe báo cáo và đề nghị thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân và mở lớp thủy quân của Bộ Tổng Tham mưu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị nhiệm vụ đầu tiên của Ban Nghiên cứu Thủy quân là huấn luyện xây dựng một đội du kích có khả năng hoạt động trên sông, rồi từ sông mới tiến ra biển khi có điều kiện.

Sau khi kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Việt Nam, ngày 26 tháng 4 năm 1955, Bộ Quốc phòng đã thành lập Trường Huấn luyện bờ biển để đào tạo nhân sự cho việc quản lý trên 800 km dải bờ biển miền Bắc từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (Quảng Trị). Chưa đầy 2 tuần sau, ngày 7 tháng 5 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển. Nhiệm vụ của Cục là chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này là quân khu). Đồng chí Nguyễn Bá Phát được cử làm phụ trách Cục. Sau này, ngày 7 tháng 5 được chọn làm ngày thành lập của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tàu HQ671 hay còn được biết đến với số hiệu C41, 641 đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Vào đầu những năm 1960, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà đế quốc Mỹ áp dụng ở Miền Nam Việt Nam bị phá sản. Tổng Thống Mỹ đã quyết định chủ trương chiến lược mới; gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân ra Miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch đó, đế quốc Mỹ đã dựng lên cái gọi là sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” và đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới như một sự khơi mào cho cuộc chiến toàn diện của Mỹ tại Việt Nam. Với ý chí: “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong 2 ngày 2/8/1964 và ngày 5/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, bắn rơi 1 máy bay; hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Phòng không 3 thứ quân và quân dân các địa phương ven biển miền Bắc bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong những năm 1965-1968 và 1972-1973, trong điều kiện vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tham gia chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn bị thương 102 lần chiếc; bắn chìm và bắn bị thương 45 tàu, thuyền địch, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hải quân nhân dân Việt Nam đã nêu cao ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, làm nòng cốt phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang đánh bại chiến tranh phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ (trực tiếp tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2.400 quả thủy lôi), mở tuyến, thông luồng, nối lại tuyến vận tải đường biển chiến lược chi viện cho miền Nam.

Thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam đã mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một nhiệm vụ to lớn nhưng vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Với quyết tâm cao độ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển táo bạo, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến, bãi dọc ven biển miền Nam, đến tận cùng đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn, mưu trí vượt qua các phòng tuyến bao vây, phong tỏa của địch, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, trang bị, đạn dược, thuốc men, hàng chục nghìn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ không vươn tới được. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, là nét sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân chủng Hải quân đã huy động cao nhất tàu, thuyền để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu; phối hợp cùng Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển miền Trung, vùng biển Tây Nam, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công xuất sắc để gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo... cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn vững vàng nơi tiền tiêu sóng gió, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương đúng đắn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, xử trí có hiệu quả các tình huống. Với những thành tích đạt được, Quân chủng Hải quân vinh dự được Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần 1: tháng 12/1989; lần 2: tháng 12/2014); được tặng thưởng hai Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập; ba Huân chương Quân công; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba. Lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã có 78 lượt tập thể và 46 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương cao quý khác.

Trải qua hơn 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững hòa bình, ổn định trên biển, vừa tích cực xây dựng, phát triển lực lượng; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ kỹ - chiến thuật, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại của bộ đội, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân còn tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế biển và tham gia lao động sản xuất..., góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố và tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc./.

N.Q.H


Tác giả: KQC. Nguyễn Quốc Hiện
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?