Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 120
Tháng 09 : 42.469
Tháng trước : 58.384
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên - điểm sáng trong phong trào thi đua quyết thắng của Khoa Chiến dịch

Huấn luyện chiến dịch là một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo các đối tượng tại Học viện Lục quân, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, chất lượng huấn luyện chiến dịch nói riêng, Khoa Chiến dịch đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể; trong đó, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tại Khoa được xác định là yếu tố then chốt góp phần rèn luyện nguồn cán bộ giảng viên kế cận đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo cán bộ Quân đội ta hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền giáo dục mới với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”(1). Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Người đưa ra đó là phải “kiến thiết giáo dục”, mấu chốt là quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, theo Người “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Theo lời dạy của Bác, ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta cũng luôn xác định “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào nhiệm vụ giáo dục, đào tạo tại Học viện Lục quân, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện có chất lượng, ngang tầm với vị thế một trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia.

Cán bộ, giảng viên Khoa Chiến dịch thảo luận nội dung bài giảng

Khoa Chiến dịch đảm nhiệm giảng dạy, huấn luyện các nội dung về nghệ thuật chiến dịch cho các đối tượng học viên Việt Nam và quốc tế với chương trình đào tạo cán bộ theo chức vụ và đào tạo sau đại học. Có thể nói, những năm vừa qua, được sự quan tâm của cấp trên, Khoa Chiến dịch thường xuyên được kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy và giảng viên phù hợp với tổ chức, biên chế, nhiệm vụ từng giai đoạn. Tuy nhiên, với nội dung giảng dạy nhiều, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu vắng do đi học, đi thực tế, nghỉ hưu, đặt ra cho Cấp ủy, chỉ huy Khoa phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bồi dưỡng tạo nguồn đội ngũ giảng viên kế cận lớp giảng viên đi trước. Công tác bồi dưỡng giảng viên tại Khoa Chiến dịch đã trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua quyết thắng của Khoa. Với kinh nghiệm đã đạt được, Khoa Chiến dịch rút ra một số bài học như sau.

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong khoa về vai trò của công tác bồi dưỡng giảng viên

Với đặc thù nhiệm vụ, cán bộ, giảng viên Khoa luôn có sự kế cận ở nhiều độ tuổi, trình độ. Phát huy vai trò, trí tuệ của giảng viên giàu kinh nghiệm để truyền thụ cho giảng viên mới đã được cấp ủy, chỉ huy Khoa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ Khoa thường xuyên đưa nội dung bồi dưỡng giảng viên gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đồng chí. Cán bộ, giảng viên trong Khoa cũng có sự đồng thuận rất cao về yêu cầu cần bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên kế cận để dần tiếp cận với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo của Khoa. Nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền, mà phải thực sự đi sâu vào từng hoạt động cụ thể ở mỗi bộ môn. Các đề mục huấn luyện chiến dịch được phân công cho giảng viên phụ trách chính và có dự bị. Giảng viên chính có trách nhiệm bồi dưỡng, giúp đỡ giảng viên dự bị chuẩn bị nội dung, phương pháp, trình tự tiến hành giảng bài, giải đáp và bồi dưỡng cho giảng viên dự bị nắm chắc các nội dung về học thuật, sẵn sàng thay thế giảng viên chính khi cần thiết.

Hai là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của chỉ huy khoa và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm

Khoa Chiến dịch luôn xác định, các đồng chí giảng viên giàu kinh nghiệm chính là tài sản quý giá, là lớp cán bộ trực tiếp bồi dưỡng cho các thế hệ giảng viên kế cận tại Khoa. Các đồng chí trong chỉ huy Khoa và giảng viên giàu kinh nghiệm được giao đảm nhiệm giảng dạy các nội dung huấn luyện sau đại học cho các đối tượng học viên đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là những nội dung đòi hỏi sự nghiên cứu, phân tích, am hiểu chuyên sâu. Thông qua những buổi lên lên lớp của giảng viên, Khoa luôn tạo điều kiện cho các đồng chí giảng viên mới được theo lớp nghe giảng để học tập kinh nghiệm, phương pháp, nắm nội dung vận dụng trong học tập, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, khi tổ chức thông qua bài giảng cho giảng viên mới, ý kiến góp ý của Chỉ huy Khoa và các đồng chí giảng viên giàu kinh nghiệm thực sự rất hữu ích, giúp cho các đồng chí giảng viên được thông qua bài hiểu và nắm chắc nội dung bài giảng, kịp thời uốn nắn, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình giảng bài. Đồng thời, Chỉ huy Khoa gặp gỡ giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí giảng viên trực tiếp theo dõi, bồi dưỡng cho các đồng chí giảng viên mới, hàng tuần, hàng tháng báo cáo kết quả theo dõi với chi bộ và Chỉ huy Khoa về chất lượng của đội ngũ giảng viên. Đây là quá trình bồi dưỡng hai chiều rất có hiệu quả.

Ba là, phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện của các đồng chí giảng viên mới

Bồi dưỡng giảng viên chỉ đạt được chất lượng, hiệu quả thiết thực khi khơi dậy được tinh thần trách nhiệm tự học tập, rèn luyện của đội ngũ giảng viên mới theo tinh thần “muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”(2). Điều đó có nghĩa là, bản thân các đồng chí giảng viên mới phải nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình thông qua nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, trình độ, năng lực công tác; gắn kết quả phấn đấu, rèn luyện của bản thân với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của năm học. Đồng hành với cố gắng của phấn đấu của các đồng chí giảng viên mới luôn có sự quan tâm, giúp đỡ, theo dõi của Chỉ huy Khoa và cán bộ, giảng viên trong khoa. Qua đó tạo sự gắn bó mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng chí giảng viên, xây dựng mối đoàn kết trong đơn vị  ngày càng bền chặt.

Nhiều đồng chí giảng viên mới có năng lực, trình độ về tin học, ngoại ngữ lại là nòng cốt trong Khoa để bồi dưỡng, thống nhất nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong biên soạn bài giảng, tra cứu các tài liệu quân sự của các nước trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung bài giảng, nhất là các nội dung về lịch sử nghệ thuật quân sự. Như vậy, giảng viên mới vừa là người được bồi dưỡng, vừa là chủ thể để bồi dưỡng nâng cao chất lượng huấn luyện.

Bốn là, cấp ủy, chỉ huy Khoa thường xuyên tạo điều kiện, giới thiệu các đồng chí giảng viên mới được học tập nâng cao trình độ

Trong những năm học vừa qua, cấp ủy, Chỉ huy Khoa đã đề nghị Học viện cử cán bộ của khoa đi học tập thực tế, tham quan diễn tập tại các đơn vị trong toàn quân. Qua đó, các đồng chí giảng viên có điều kiện tiếp cận, học tập những kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị để bổ sung vào nội dung bài giảng, đây cũng là giải pháp thiết thực để thực hiện phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Những đồng chí giảng viên có phẩm chất, năng lực được lựa chọn kỹ từ các bộ môn được đề nghị Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện xem xét cử đi đào tạo nâng cao trình độ, đây là quá trình tạo nguồn cán bộ kế cận cho Khoa trong tương lai. Chỉ huy Khoa luôn xác định, cử các đồng chí giảng viên đi đào tạo trách nhiệm quản lý thuộc về chỉ huy các hệ và đơn vị trực tiếp tiếp nhận. Tuy nhiên, Khoa luôn theo dõi, nắm chắc kết quả học tập, phấn đấu của từng đồng chí, kịp thời gặp gỡ, động viên, uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ học tập. Đây không chỉ là sự quan tâm mà còn thể hiện sự sát sao, trách nhiệm của cấp ủy, Chỉ huy Khoa khi cử cán bộ của mình đi đào tạo, đồng thời để Khoa tiếp tục rút kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi của toàn học viện tổng kết công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua quyết thắng giai đoạn 2019 - 2024, những đóng góp của mỗi đồng chí cán bộ, giảng viên của Khoa Chiến dịch còn nhỏ bé, nhưng sự phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện của các đồng chí giảng viên luôn được cấp ủy, Chỉ huy Khoa chiến dịch trân trọng ghi nhận. Trong thành tích chung đó có một vị trí nhất định về vai trò của công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa. Đây là động lực để cổ vũ, động viên mỗi cán bộ giảng viên Khoa Chiến dịch tiếp tục phấn đấu, rèn luyện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện trong giai đoạn cách mạng mới./.

N.H.C

 

Tài liệu tham khảo

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 10, tr.345; 357.

 


Tác giả: KCD. Nguyễn Huy Cảnh
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?