Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sâc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam mà nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng theo tư tưởng của Người là phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh chỉ rõ vì sao phải giải phóng phụ nữ?
Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Người. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Trong hàng loạt bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Do đó, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng. Vậy nên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo Người là cuộc cách mạng giải phóng con người, do đó nếu không giải phóng phụ nữ, một phần nửa xã hội thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội.
Hơn nữa, phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội con người. Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (1). Cùng với hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. Người nói rằng: “Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia” (2).
Phải giải phóng phụ nữ còn bởi lẽ trong xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng phong kiến, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Đó là những quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “tam tòng”… Những quan niệm này cùng với những quy định hà khắc của xã hội phong kiến đối với phụ nữ đã không những trói buộc họ trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, không cho họ có cơ hội và điều kiện được học hành, được tham gia các hoạt động ngoài xã hội mà còn làm cho họ tự tha hóa, tự trói mình trong tâm lý tự ty, an phận, cam chịu. Tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…” (3).
Thứ hai, Hồ Chí Minh chỉ rõ nội dung giải phóng phụ nữ.
Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Trong các văn kiện thành lập Ðảng tháng 2 năm 1930, Người đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Ðây là một trong bốn điểm Chánh cương đề ra. Ðiều đó chứng tỏ ngay từ khi thành lập Ðảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Người và Ðảng ta hết sức coi trọng, trở thành một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc. Phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Người đã khẳng định về quyền của phụ nữ trong Hiến pháp 1946 mà Người làm Trưởng ban soạn thảo: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân” (4).
Giải phóng phụ nữ về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Người nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời, phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Người chỉ rõ: Công bằng cho phụ nữ là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tùy theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khỏe. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc của phụ nữ. Bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Người nhắc nhở phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Muốn vậy phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti, ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình. Người khẳng định: “… dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực…” (5).
Thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình quyền trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã bằng các việc làm, hành động cụ thể như thông qua các khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đồng thời luật hóa các quy định liên quan trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (tiêu biểu là CEDAW - Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) qua các văn bản pháp luật tiêu biểu như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đánh dấu bước ngoặt và có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây là văn bản luật quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ.
Chính phủ cũng xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch đặc thù riêng cho phụ nữ. Đặc biệt, sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Hiện nay, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm có: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.
Luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Người cũng như của Đảng và Nhà nước dành cho phụ nữ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã luôn cố gắng hết mình phấn đấu đóng góp công sức vào sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển chung của xã hội, phụ nữ ta lại càng phải phấn đấu hết mình để vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.
Phụ nữ hiện nay tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong nhiều nhiệm kỳ qua Phó Chủ tịch nước luôn là nữ. Nhiệm kỳ 2016-2021, lần đầu tiên Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Trong Quốc hội, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25%. Theo Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử Quốc gia thì tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là phụ nữ có 393 trên tổng số 868 ứng cử viên, bằng 45,28% (tăng 6,31% so với Quốc hội khóa XIV). Còn Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%” (6). Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với sự bình đẳng của phụ nữ.
Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển. Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao./
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, 2011, tập 7, tr.340.
(2) Sđd, tập 2, tr.311; (3) Sđd, tập 13, tr.59; (4) Sđd, tập 4, tr.491.
(5) Sđd, tập 4, tr.121-122; (6) Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII
Đ.M.Đ