Giải pháp nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ theo cách học của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết khoảng 29 ngoại ngữ khác nhau, trong đó có 7 ngoại ngữ đọc thông, viết thạo. Vốn ngoại ngữ đó của Người không phải hoàn toàn do “thiên bẩm”, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập với mục đích đúng đắn, phương pháp học tập phù hợp và một ý chí quyết tâm, tự giác, kiên trì đã giúp Người chinh phục được nhiều loại ngoại ngữ như vậy. Cách học ngoại ngữ của Người chính là một phương pháp học khoa học để chúng ta học tập và noi theo.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ ở Học viện Lục quân đã rất tích cực học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Hàng năm, Học viện thường mở từ 2 đến 3 lớp bồi dưỡng, học tập ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên trẻ trong và ngoài học viện. Tuy nhiên, kết quả học tập của một số cán bộ, giảng viên trẻ vẫn còn có mặt chưa cao. Trước yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và yêu cầu xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên nói chung, cán bộ, giảng viên trẻ nói riêng cần phải nâng cao hơn nữa trình độ ngoại ngữ của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, học tập cách học ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung, biện pháp quan trọng để nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ hiện nay. Học tập cách học ngoại ngữ của Người có thể khái quát trên một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, xác định đúng đắn mục đích học tập ngoại ngữ
Mục đích học tập ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để làm cách mạng, giải phóng dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà; Người nói với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội: “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”(1). Động cơ học tập đó đã thúc đẩy Người quyết tâm học để thông thạo tiếng nước ngoài và dùng nó để phục vụ công tác cách mạng.
Do đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ cần phải xác định rõ mục đích học của mình là để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nâng cao trình độ, vận dụng trong công tác, hoạt động chuyên môn của mình hoặc đọc được sách, báo tiếng anh, nghe nhạc, xem phim, bằng tiếng anh... Thông qua học tập ngoại ngữ, sẽ giúp cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, có nội dung, phương pháp học ngoại ngữ phù hợp
Về học từ vựng, Người đã học bằng cách hỏi chính người bản xứ về các đồ vật xung quanh, ghi tên và nhớ cách phát âm của chúng. Sau khi hỏi được nghĩa những từ này, Người viết vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, dễ thấy nhất, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Ban đêm khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi. Đây là phương pháp học rất thực tiễn, phù hợp với mọi điều kiện hoàn cảnh, có thể tận dụng mọi lúc, mọi nơi để học (2). Cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân có thể áp dụng cách học này, bằng cách ghi các từ vựng trên các tờ giấy nhỏ mang theo được bên mình, trong thời gian rảnh khi công tác, thực hiện nhiệm vụ để học tập, nâng cao vốn từ vựng của mình.
Về dùng ngữ pháp và phát âm, Hồ Chí Minh đã học cách ghi nhớ, luyện tập những từ đã học, viết các câu, bài luận làm sao sử dụng nhiều nhất những từ vựng đã biết. Người thường liên hệ, tưởng tượng một chủ đề nào đó và liên kết các từ đã biết có liên quan đến chủ đề đó. Người đã ghép từng câu ngắn, câu dài, thành đoạn, thành bài văn và còn dùng một cách vô cùng hữu ích là tập viết báo, đọc sách, báo nước ngoài và dịch sách bằng thứ tiếng mà mình học. Đặc biệt, trong giao tiếp, Người không sợ sai, không sợ mắc lỗi khi nói cũng như sử dụng văn phạm (3). Học tập phương pháp này, cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân cần tự viết các đoạn văn bằng tiếng anh sau khi học xong một chủ đề từ vựng nào đó, sau đó nhờ người có chuyên môn đọc và sửa lại, hoặc có thể nói chuyện với bạn bè, thầy cô… về chủ đề từ vựng đã được học để vận dụng và lưu trữ được vốn từ vựng đã học được của mình.
Thứ ba, cần phải tự giác học tập, thường xuyên, kiên trì
Chủ tịch Hồ Chí Minh học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính, đó là phẩm chất nổi bật ở Người. Tự học với một tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, cộng với sự quyết tâm, khắc phục khó khăn. Trong thời gian một năm rưỡi ở Liên Xô, Người đã tự học và sử dụng thành thạo tiếng Nga, một ngoại ngữ khó học mà bình thường một sinh viên đại học có khả năng, kiến thức phải học bốn năm mới giao tiếp được. Đến những năm tuổi đã cao, Người vẫn giữ vững tinh thần học tập đó. Sinh thời, Người từng nói rằng: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” (4). Thực hiện tinh thần học tập ấy của Người, mỗi cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân hiện nay cần quán triệt và tiếp tục học tập tư tưởng, tấm gương của Người để xây dựng cho mình ý thức tự giác học tập, ý chí quyết tâm học tập bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ. Muốn vậy, mỗi cán bộ, giảng viên trẻ nên xây dựng lộ trình hay kế hoạch học tập phù hợp với trình độ, khả năng của mình và quyết tâm thực hiện tốt, có kết quả cao kế hoạch đã đặt ra.
Học tập theo cách học ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biện pháp rất thiết thực. Trong thời gian tới, cán bộ, giảng viên trẻ ở Học viện Lục quân cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong quá trình học ngoại ngữ để nâng cao kiến thức, năng lực của bản thân góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện./.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.511.
2, 3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H.1984.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.13, tr.273.
V.N.L