Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 244
Tháng 10 : 18.583
Tháng trước : 66.035
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu thêm về triết lý giáo dục Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân ta; cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX; cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội trên thế giới; cho sự củng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện. Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [1].

Về mục tiêu của giáo dục, Bác chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” [2]. Bác đã chỉ dẫn việc vận dụng mục tiêu, nội dung giáo dục cho mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, bậc học. Đối với “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà” [3].

Bác Hồ với các cháu học sinh thân yêu

Trong tư tưởng, cũng như trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội dung giáo dục không chỉ có kiến thức văn hóa, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, trí, lễ, nghĩa, tín, dũng, liêm, chính... Đây là tư tưởng cơ bản nhất của Người về giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” [4].

Về đặc điểm đối tượng giáo dục, Bác đã chỉ ra rằng: Người thầy giáo phải sát đối tượng, phải đóng giày theo chân chứ không thể khoét chân cho vừa giày. “Chân” ở đây là quần chúng, là người học. Người thầy giáo phải là người thợ giày tận tụy và lành nghề. Muốn vậy, phải đi sâu, đi sát để tìm hiểu tâm tư người học để tìm ra con đường giải quyết hợp lý việc dạy học.

Về phương pháp giáo dục, Bác đã định hướng nguyên tắc quan trọng là “Nền giáo dục đó phải kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn” [5]. Về quan hệ giữa lý luận và thực hành, Bác ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên, vì vậy mỗi người phải gắng học, đồng thời học thì phải hành” [6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5” tại Hà Nội (1963)

Phấn khởi và tự hào với truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, giảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ Học viện Lục quân đã và đang phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn thử thách, xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, tô thắm thêm truyền thống 20 chữ vàng “Kiên định vững vàng, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” của Học viện Lục quân anh hùng.

Ngày nay, trong bối cảnh mới, bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, công tác giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới. Học viện đang xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2045” nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời, đào tạo ra các thế hệ sĩ quan phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, đủ khả năng khai thác các trang thiết bị, vũ khí hiện đại và làm tốt công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Do vậy, sản phẩm đào tạo của Học viện không chỉ có tài mà còn có đức như lời Bác dạy.

Việc áp dụng học đi đôi với hành, “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” luôn là kim chỉ nam xuyên suốt trong chương trình và quy trình đào tạo của Học viện. Người học được tiếp tục rèn luyện về mọi mặt, mỗi cán bộ, giảng viên luôn nhiệt tình và đam mê với nghề nghiệp, giỏi chuyên môn; vững nghiệp vụ, luôn sẵn sàng cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức; giáo dục toàn diện, mở mang trí tuệ cho người học, chú trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho người học; truyền cảm hứng cho học viên trong học tập và rèn luyện, kích thích tính sáng tạo, tự học, tự tìm tòi của học viên.

Như vậy, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo trên tất cả các phương diện. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh được hình thành từ thực tiễn các hoạt động giáo dục và đào tạo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của chính Người. Tuy nhiên, trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cùng với hệ thống các kinh nghiệm thực tiễn của hành trình tìm đường cứu nước của mình, Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống triết lý giáo dục hết sức sâu sắc, toàn diện và có tính ứng dụng trực tiếp trong thực tiễn rất cao. Tất cả các quan điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu, đối tượng, nội dung, và phương pháp giáo dục đều không chỉ vô cùng chính xác và khoa học, mà còn hết sức phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như giữ nguyên giá trị cho đến hiện nay và mãi mãi về sau. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho các thành tựu của nền giáo dục cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, mà còn là nền tảng tư tưởng cốt lõi và các nhân tố cơ bản cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, và xây dựng một hệ thống triết lý giáo dục riêng cho Việt Nam trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.627.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.208.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.186.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.402.

[5]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.26.

[6]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.275.

L.Đ.K


Tác giả: KTHNN. Lê Đình Kiểm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?