Loại bỏ chủ nghĩa cá nhân - giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng
Chủ nghĩa cá nhân gây ra những tác hại khôn lường đối với năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy, tăng cường biện pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng là vấn đề cấp thiết, quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp.
Để đấu tranh, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng hiện nay, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa các nhân cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; khơi dậy ý thức, tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; bản chất, biểu hiện và tác hại khôn lường của chủ nghĩa cá nhân. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đồng thời, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên xây dựng và thực hiện kế hoạch, cam kết trong phòng, chống chủ nghĩa cá nhân gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Trong đó cần xác định rõ thẩm quyền của cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy và vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân theo phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiến hành tốt và đồng bộ các hình thức , biện pháp như: tổ chức chặt chẽ các hình thức sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường kiểm tra nhận thức về chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và tổ chức nhận xét, đánh giá, phân loại chất lượng đối với cán bộ, đảng viên nghiêm túc, đúng quy trình; kết hợp tốt công tác khen thưởng, kỷ luật với công tác cán bộ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng
Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng. Nâng cao chất lượng các hình thức sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, sinh hoạt học tập ở cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng các cấp, Các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề, cũng như đề ra được nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực, khả thi trong nghị quyết thường kỳ để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Tiếp tục quán triệt, thực hiện chặt chẽ Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chế độ kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên theo đúng tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có nền nếp và đi vào thực chất.
Cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên quán triệt sâu kỹ, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng; nhất là quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu. Đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý có vấn đề phức tạp, có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân thì cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm, yêu cầu giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục; trực tiếp dự, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý theo đúng quy trình, thẩm quyền.
Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[1]. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Theo đó, cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp để kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ, tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nâng cao chất lượng kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sa vào chủ nghĩa cá nhân, không để kéo dài, đùn đẩy lên cấp trên. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc, mất dân chủ hoặc tư tưởng trung bình chủ nghĩa, dĩ hòa vi quý trong sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng. Rà soát, bổ sung các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện nếp sống văn minh.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Từng cán bộ, đảng viên cần quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Tích cực tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, rèn luyện đạo đức cách mạng, phương pháp tác phong làm việc khoa học, cụ thể, tỷ mỷ. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp cần thường xuyên đối chiếu với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để tự soi, tự sửa.
Phòng chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, phức tạp và nặng nề. Nhưng không phải vì thế mà chấp nhận sống chung, buông xuôi, không dám đấu tranh. Ngược lại càng phải càng phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp trong tình hình hiện nay./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 362.