Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.188
Tháng 10 : 12.327
Tháng trước : 66.035
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - ý nghĩa trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Lục quân hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự nhạy bén và phương pháp khoa học, Người đã lãnh đạo, chỉ đạo xác định phương châm tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, làm nên thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Quán triệt vai trò của Người trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung và trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Lục quân hiện nay nói riêng.

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được biểu hiện thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xác định phương châm tác chiến; khơi dậy quyết tâm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; cũng như trong động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường. Cụ thể là:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo xác định phương châm tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước sự sa lầy tại Đông Dương, tháng 5/1953, thực dân Pháp cử tướng Henri Nava làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và đề ra “Kế hoạch Nava” với hy vọng có thể xoay chuyển tình hình, giành thắng lợi lớn về mặt quân sự nhằm chuyển bại thành thắng, tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự” ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên để bàn phương án tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh đường lối kháng chiến của ta là phải lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Người nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhắc: Địch tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh thì ta phải phân tán chúng ra làm 5, làm 7 mảng mà tiêu diệt dần, đặng làm cho chúng thất bại hoàn toàn. Với chiến lược đó, quân và dân ta đã mở các hướng tiến công ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào làm cho quân địch hết sức bị động, lúng túng, phải căng mỏng lực lượng ra đối phó.

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương; chúng coi đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá” và thách thức bộ đội ta quyết chiến tại đây. Ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và quyết định lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, là đòn quyết định thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải hoàn thành cho kỳ được...” [1].

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh chiến dịch lên đường ra mặt trận, Người đã giao nhiệm vụ và căn dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” [2]. Do đó, sau khi nghiên cứu đầy đủ, kỹ càng và cân nhắc các mặt, với sự tin tưởng cao độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trách nhiệm to lớn với Đảng, với dân tộc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của mình, chuyển từ phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sự thay đổi phương châm tác chiến đó đã hạn chế được sức mạnh về vũ khí trang bị của địch, phát huy được những thế mạnh, sở trường của cán bộ, chiến sỹ và đem lại thắng lợi vĩ đại cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ hai, Hồ Chí Minh đã xây dựng ý chí quyết tâm trong chiến đấu và chiến thắng cho quân và dân cả nước; cổ vũ, động viên kịp thời cán bộ, chiến sỹ tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta. Sự cổ vũ, động viên đó của Người là nguồn động lực tinh thần vô cùng to lớn, giúp quân và dân ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để làm nên thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người đã gửi nhiều thư cổ vũ, động viên đối với cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ và chỉ rõ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới” [3]. Bên cạnh đó, Người cũng có sự động viên kịp thời với “cán bộ và đồng bào dân công”, những người đảm bảo cung cấp các mặt hậu cần, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch. Bác đã tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công, Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước có in đậm hàng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

Ngay sau khi bộ đội ta giành thắng lợi lớn ở hai trận Him Lam và Độc Lập, ngày 15/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi nhằm động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hăng hái tiến lên tiêu diệt địch. Trải qua 56 ngày đêm, với muôn vàn hy sinh, gian khổ, ngày 07/5/1954, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân, đế quốc, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Có thể khẳng định rằng, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ là hết sức to lớn. Vai trò đó có giá trị lịch sử và ý nghĩa vận dụng trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung và trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Lục quân nói riêng. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho mỗi học viên về tư duy quân sự khoa học, sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Đối với học viên tại Học viện Lục quân, giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tập trung vào nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự. Đây là nội dung hết sức thiết thực đối với học viên đào tạo trở thành người chỉ huy, cán bộ nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự trong tương lai. Theo đó, quá trình giảng dạy phải tập trung làm rõ về cơ sở hình thành, nội dung, giá trị và ý nghĩa vận dụng những quan điểm, luận điểm của Người về bạo lực cách mạng, về vai trò của quần chúng nhân dân trong lĩnh vực quân sự, về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, về xây dựng hậu phương chiến tranh, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và về nghệ thuật quân sự. Đặc biệt là, đường lối kháng chiến đúng đắn, phương châm tác chiến chiến lược, tính đúng đắn của quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giành toàn thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi học viên rèn luyện cho mình tư duy quân sự khoa học, nhạy bén, sáng tạo để sau khi ra trường trên cương vị, chức trách là người quản lý, chỉ huy đơn vị có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, góp phần nâng cao ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao cho học viên.

Ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng để mỗi học viên phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Do đó, quá trình giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Lục quân cần tập trung làm cho mỗi học viên nhận thức đúng về vai trò của nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh. Tiêu biểu là việc xây dựng quyết tâm chiến đấu, sự khích lệ, động viên của Hồ Chí Minh đối với quân và dân ta làm nên thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ đó, góp phần nâng cao ý chí quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện ở Học viện Lục quân cho mỗi học viên nói riêng; đồng thời, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công sau khi ra trường.

Ba là, giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh phải hướng vào lan toả phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh cho học viên.

Hồ Chí Minh là lãnh tụ luôn có phong cách tin vào dân, trọng dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân để tạo nên nguồn sức mạnh to lớn cho mọi thắng lợi của cách mạng. Do đó, quá trình giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh phải làm cho mọi học viên nhận rõ phong cách quần chúng đó của Người là động lực tinh thần để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ. Trên cương vị người chỉ huy đơn vị phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các mặt quân sự và chuyên môn, chính trị, hậu cần và đời sống; duy trì và thực hiện đúng, đủ các thiết chế văn hoá; không ngừng chăm lo các mặt vật chất, tinh thần để cán bộ, chiến sỹ thực sự gắn bó với đơn vị; phát huy mọi nỗ lực góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình cũng như sự khích lệ, động viên kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học thắng lợi của trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó cũng là cơ sở để Đảng ta hoạch định đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, vai trò đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và làm theo./.

T.N.T

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 5, tr. 323.

[2] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2016, tập 5, tr. 335.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 433.


Tác giả: KMLNTTHCM. Trần Nho Tuấn
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?