• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.297
Tháng 12 : 4.407
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách mạng Tháng Mười Nga là thực tiễn sinh động định hướng tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là động lực mạnh mẽ thức tỉnh, cổ vũ, soi đường, dẫn lối các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản, tự cứu lấy mình và tự giải phóng; là xung lực thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Ánh sáng từ ngọn đuốc Cách mạng Tháng Mười Nga đã định hướng, hình thành trong tư tưởng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa lịch sử và thời đại to lớn, là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, là cuộc cách mạng có tính thời đại, khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai và mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; nhằm thực hiện cho được ước vọng của dân chúng được hưởng hạnh phúc, tự do, bình đẳng thực sự. Tính chất triệt để, toàn diện, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười thể hiện trên cả mức độ, phạm vi giải phóng. Cuộc cách mạng ấy không chỉ giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở Nga mà còn “ra sức cho công nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để lật đổ các đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”, trong đó có Việt Nam.

Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Đối với Bác Hồ kính yêu của chúng ta, quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười nga năm 1917. Cùng thời điểm này, cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở về Pháp. Giữa lúc đang trăn trở tìm một con đường đi mới, thì tại đây, Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã gây sự chú ý mãnh liệt đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước.  Qua trải nghiệm thực tiễn và nhãn quan chính trị thiên tài, bằng phân tích đánh giá khoa học, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phát hiện ra giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[1].

Tháng 7-1920, khi nghiên cứu “Bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc được con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Từ đó, Người hoàn toàn tin tin tưởng và đi theo con đường cách mạng Lênin đã lựa chọn. Người đã nhận ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản [2] và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các giai cấp bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [3]. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Đặc biệt, tại trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu một cách cơ bản về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia nhiều tổ chức quốc tế và tham dự nhiều Đại hội, Hội nghị quốc tế (Quốc tế cộng sản, Hội Nông dân, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội các dân tộc thuộc địa…) trên đất nước Nga Xô Viết. Cũng từ khi trực tiếp hoạt động trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, đã từng bước hình thành trong tư tưởng của Người những vấn đề cơ bản về cách mạng Việt Nam (giai cấp lãnh đạo, đường lối cứu nước, lực lượng, phương pháp cách mạng) và Người có điều kiện để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Đồng thời, Người đã gửi nhiều nhà lãnh đạo ưu tú của cách mạng Việt Nam sang đào tạo, bồi dưỡng tại nước Nga Xô Viết như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai…

Nhận thức về tính triệt để, toàn diện, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười, trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định rõ chủ trương của những người cộng sản là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nghĩa là nhiệm vụ cách mạng của Đảng là đánh đuổi đế quốc xâm lược, đánh đổ chế độ phong kiến tay sai, giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc; xây dựng Nhà nước của dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức bởi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.

Từ sự vận dụng thành công vai trò lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[3]. Do đó, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận con đường cứu nước của mình vào Việt Nam. Người tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng; sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thành một đảng cách mạng chân chính với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn.

Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu là giành chính quyền và giữ chính quyền. Chính vì đó, Người đã thực hiện nhiều biện pháp để nhằm thu hút lực lượng, gây dựng lực lượng vững mạnh làm cơ sở để thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng con đường bạo lực cách mạng. Khác với các bậc tiền bối đi trước Người đã có những nhận định về lực lượng đấu tranh cách mạng một cách rõ ràng, như trong “Sách lược vắn tắt” Người đã chỉ rõ: “Đảng… phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp... ”. Nguyễn Ái Quốc chủ trương và dành nhiều tâm lực để thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức Đại hội quốc dân ở Tân Trào...để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng mọi mặt cho cách mạng. Khi thời cơ lịch sử xuất hiện, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trên cả nước. Với quyết tâm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã vùng dậy chớp thời cơ làm nên thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với các thắng lợi huy hoàng trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga; chứng minh tính đúng đắn của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn, qua đó khẳng định sức sống bất diệt của những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo lập và khẳng định cách mạng Việt Nam đã kế tục vẻ vang sự nghiệp Cách mạng Tháng Mười Nga

Với tầm vóc và ý nghĩa vĩ đại của Cuộc Cách mạng, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[4].

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng sáng tạo mang tầm vóc thời đại của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh trong tiếp thụ và truyền bá những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cách mạng tháng Mười Nga vào thực tiễn Việt Nam. Những bài học lịch sử, những kinh nghiệm cách mạng mang tính phổ biến, sâu sắc của cách mạng tháng Mười Nga vẫn luôn soi sáng sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1], [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 304, tr. 267-268.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.30.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 10, tr. 228

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập15, tr. 387.

 

 


Tác giả: CTD. Hồ Mạnh Cường
Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?