Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.302
Tháng 07 : 49.831
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Hậu cần Quân đội

Vào giữa năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn tiến công và phản công trên chiến trường toàn quốc, đặc biệt trên chiến trường chính Bắc bộ, nhu cầu mọi mặt của cuộc kháng chiến ngày càng nhiều. Đứng trước yêu cầu đó, ngày 11/7/1950, Tổng cục Cung cấp (tiền thân của ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập theo Sắc lệnh số 121/SL, có nhiệm vụ: “Quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng”.

Ngay từ khi mới thành lập, ngành Hậu cần Quân đội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo, dạy bảo ân cần. Người đã dành tình yêu thương vô bờ bến cho tất cả đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần. Những ngày đầu thành lập còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, một số cán bộ, chiến sĩ chưa hiểu hết vị trí, vai trò của công tác cung cấp, nên chưa yên tâm công tác, muốn làm công tác khác, Bác đã kịp thời viết thư thăm hỏi, động viên, căn dặn và nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác cung cấp trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Trong thư, Bác nhấn mạnh: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận, cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Trách nhiệm của người làm công tác hậu cần rất nặng nề, vì vậy, Bác yêu cầu người cán bộ cung cấp phải: “Phụng sự đa số bộ đội, tức là người binh nhì, phải thường xuyên chăm sóc người bình nhì, phải thật lòng thương yêu binh sĩ. Đặc biệt chớ tham ô một đồng tiền, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội”.

Mục tiêu cao cả của công tác hậu cần là: Tất cả vì bộ đội, hết lòng yêu thương bộ đội. Đây chính là nét biểu hiện đặc trưng trong ý thức đạo đức của cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần. Theo Người, tinh thần trách nhiệm, tận tâm gắn bó với nghề nghiệp là một vấn đề trọng yếu của ngành Hậu cần, cán bộ cung cấp phải có quan điểm chính trị vững vàng, có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, phải có tình thương yêu chiến sỹ như anh em ruột của mình. Người yêu cầu: “Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị” của bộ đội, phải thật lòng thương yêu bộ đội, phải là những con người nhiệt tình, luôn luôn chủ động nâng cao ý thức trách nhiệm, trau dồi nhân cách đạo đức: “Phải thấy trước, lo trước. Phải có sáng kiến và phải tháo vát. Phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất tốt đẹp của con người, là đặc trưng của nhân cách người cách mạng, có vai trò to lớn trong xây dựng con người và phát triển xã hội. Với những chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm riêng, cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần càng cần rèn luyện những phẩm chất đó. Hoạt động trong môi trường quân sự gắn liền với một khối lượng lớn cơ sở vật chất, đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần phải bao quát toàn diện, sâu sát, tỷ mỉ, thận trọng và nghiêm túc. Dù là cơ chế cấp phát hiện vật nhưng vẫn phải bảo đảm cấp phát theo tiêu chuẩn, định lượng của bộ đội. Người căn dặn: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sỹ. Đó là bổn phận của các chú”. Trong hoạt động thực tiễn, để thực sự đạt được phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần phải không ngừng nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao mức sống của bộ đội; sống trong sạch, lành mạnh, đề cao dân chủ, trung thực mẫu mực, việc gì có lợi cho bộ đội, cho quân đội thì nhất định làm, việc gì có hại đến dân, đến đời sống bộ đội thì phải hết sức tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định năm 1957. Ảnh tư liệu.

Với tấm lòng vì dân vì nước, luôn lo nghĩ đến đời sống của chiến sĩ ngoài mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm của mình về công tác, nhiệm vụ, vai trò của ngành Hậu cần Quân đội. Người động viên, cổ vũ, kêu gọi tinh thần trách nhiệm của chiến sĩ làm công tác hậu cần. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ những yêu cầu căn bản về phẩm chất, trách nhiệm của người làm công tác hậu cần. Trong Hội nghị Cung cấp toàn quân lần thứ nhất ngày 25/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy”. Đồng thời, Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ hậu cần phải tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ làm tốt công tác mình đảm nhiệm. Theo Người, công tác hậu cần là công tác cách mạng, người làm công tác hậu cần cũng là chiến sĩ cách mạng của Đảng, thế nên phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng, gương mẫu và thật sự là đày tớ của Nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đội phải gạt bỏ những tính toán cá nhân, những tư tưởng vụ lợi để tự hào về nghề nghiệp của mình mà gắn bó.

Sau khi giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ra sức xây dựng kiến thiết miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Người vẫn tiếp tục chú trọng, dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác Hậu cần Quân đội. Người đã dành thời gian đi tham quan và đóng góp ý kiến tại các triển lãm về sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành Hậu cần quân đội, như cải tiến các thiết bị y tế, doanh cụ do bộ đội Hậu cần sản xuất trang bị cho bộ đội, khu trưng bày các sản phẩm tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội. Ngày 04/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và để lại bút tích tại Triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Hậu cần Quân đội: “Cuộc trưng bày này của Tổng cục Hậu cần chứng tỏ rằng Quân đội ta đã có cố gắng nhiều và đã có thành tích khá trên con đường cải tiến kỹ thuật nhằm tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm” và “Bác mong chiến sĩ và cán bộ ta cố gắng mãi và tiến bộ nhiều”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang hơn 70 năm qua của ngành Hậu cần Quân đội, được sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu, toàn Ngành đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thấm nhuần lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, ngành Hậu cần Quân đội nói riêng đã thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng và năng lực công tác.

Học viện Lục quân là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học lớn có uy tín của Quân đội. Theo đó, Khoa Hậu cần - Kỹ thuật là khoa được Học viện giao nhiệm vụ đảm nhiệm truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm về công tác hậu cần, kỹ thuật cả trong chiến đấu và thường xuyên cho các đối tượng học viên. Đây là đội ngũ cán bộ chỉ huy tương lai của các đơn vị trong toàn quân, là những hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ huy công tác hậu cần, kỹ thuật của đơn vị nhằm bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt về hậu cần, kỹ thuật cho đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Để mãi xứng đáng với tình cảm, tình yêu thương của Bác, thời gian tới, cùng với cán bộ, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đội nói chung, cán bộ, giảng viên Khoa Hậu cần - Kỹ thuật quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh nghiên cứu, học tập nâng cao chất lượng giảng dạy góp phần đào tạo ra đội ngũ cán bộ chỉ huy có trình độ, phẩm chất năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời lãnh đạo, chỉ huy công tác hậu cần, kỹ thuật của đơn vị bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, từng bước xây dựng và phát triển Quân đội nói chung, ngành Hậu cần Quân đội nói riêng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.

L.Đ.T


Tác giả: KHCKT. La Đức Thuận
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?