Thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) vai trò đấu tranh ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng, Người chỉ rõ phải kết hợp đa dạng, linh hoạt các hình thức, biện pháp đấu tranh; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự với đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng, ngoại giao… Trong đó, Hồ Chí Minh coi đấu tranh ngoại giao là một bộ phận, “một mặt trận” rất quan trọng, bên cạnh mặt trận quân sự và chính trị, là công cụ, phương tiện để giữ vững nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đấu tranh ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành một cách chủ động, linh hoạt, tạo được những thành tích nổi bật, thông qua những đường lối, chủ trương đúng đắn, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Điển hình là thắng lợi của mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ (từ tháng 5 - tháng 7/1954) đã cho thấy đấu tranh ngoại giao đóng vai trò then chốt trong việc đạt được Hiệp định (21/7/1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy trăm năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” (1).
Ngược dòng lịch sử, sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (07/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã giúp cho đất nước ta kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết với sự tham gia của nhiều bên liên quan, Hiệp định đã thống nhất các vấn đề chủ yếu như: (1) Công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các cường quốc công nhận một cách chính thức trong một điều ước quốc tế. (2) Đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. (3) Phân chia Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới với mục đích tập kết quân đội hai bên, miền Bắc thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam thuộc chính quyền Quốc gia Việt Nam. (4) Hiệp định quy định tổ chức tổng tuyển cử tự do trên cả nước vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước Việt Nam. (5) Thực dân Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương.
Trên cơ sở kiên định nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược của Hồ Chí Minh về đối ngoại: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” (2). Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động và tích cực tham gia đàm phán với quyết tâm chính trị cao nhất, thể hiện rõ lập trường và bảo vệ lợi ích, quyền lợi của quốc gia dân tộc. Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng - trưởng đoàn đàm phán đã nêu rõ: “đoàn Việt Nam sẽ đóng góp hết sức cho việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương” và khẳng định: “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hội nghị Giơnevơ là khôi phục hòa bình ở Đông Dương với việc công nhận các quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, Khmer (Campuchia) và Pathet Lào” (3). Chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ là dấu mốc quan trọng, là thắng lợi có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng. Thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và ngoại giao đã giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên bứt phá mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã xác định, nhất là chỉ tiêu phát triển trong năm nay, Việt Nam phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8%. Bên cạnh việc đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, thì chúng ta cũng phải tích cực và chủ động hội nhập quốc tế thông qua việc mở rộng các mối quan hệ ngoại giao nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo đà cho sự phát triển của đất nước.
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ mới, có nhiều chuyến thăm, làm việc với các nước trên thế giới và đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước đến Việt Nam. Chúng ta đã thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và ký kết nhiều hiệp định quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng quan trọng của Việt Nam, cho thấy những đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn trong thực hiện công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là đường lối “ngoại giao cây tre”; khẳng định ngoại giao đã và đang là một “mặt trận” quan trọng đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tại Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I (nhiệm kỳ 2025 - 2030), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng nền ngoại chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn và hiệu quả, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, nòng cốt trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam trong thời gian tới./.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954: Mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27/7/2024;
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 340 - 555;
3. The NewYork Times, “Reds Welcome Vietminh Delegates to Geneva Talks”, May 5, 1954, p. 1,3.
N.L.N