Tưởng định huấn luyện mang ký hiệu 874
Trong những ngày tháng mà mỗi người Việt Nam đều hướng về miền Nam với niềm tự hào và biết ơn sâu sắc, kỷ niệm: “50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chúng ta cùng ôn lại kỷ niệm về mái trường - nơi ra đời của Tưởng định huấn luyện mang ký hiệu 874, một ký ức không thể phai mờ, hòa vào dòng chảy lịch sử vẻ vang của Học viện Lục quân Anh hùng.
Ngày 01 tháng 7 năm 1974, Học viện tổ chức Lớp tập huấn Bổ túc cán bộ cao cấp lần thứ 2 (từ thượng tá đến thiếu tướng), cương vị từ sư đoàn trưởng đến tư lệnh quân khu, với thời gian học 9 tháng. Ngoài các đồng chí trong Ban Giám đốc và giảng viên chủ chốt của Học viện, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, bộ tư lệnh các binh chủng đã trực tiếp đến giảng bài và giới thiệu kinh nghiệm chiến đấu.
Nội dung huấn luyện của lớp học gồm nhiều vấn đề về lý luận chiến thuật, chiến dịch bám sát vào thực tiễn trên các chiến trường nóng bỏng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, có 1 tưởng định huấn luyện mà sau này mãi mãi đi vào lịch sử của Học viện, trở thành mẫu mực giáo khoa về: “Kết hợp lý luận với thực tiễn; gắn nhà trường với chiến trường”.
Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp giảng khoa mục “chiến dịch tiến công” và ra bài tập cho lớp học: “Nếu chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, thì mục tiêu của chiến dịch đánh vào đâu?”. Trừ một số ít học viên chọn Kon Tum hay Đức Lập, phần lớn đề nghị chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu chiến dịch. Trải qua 53 ngày đêm học lý luận, làm bài tập, học viên xây dựng quyết tâm chiến dịch lên bản đồ, trình bày phương án công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch; những vấn đề về lập thế ta, phá thế địch, tập trung lực lượng ở hướng và khu vực chủ yếu được tranh luận hết sức sôi nổi vượt cả thời gian học chính khoá. Bởi vì cán bộ, giảng viên, học viên của lớp học đều nhận thức rõ đây là bài học gắn với xương máu của bộ đội đang trực tiếp cầm súng chiến đấu, ở giai đoạn vận mệnh của dân tộc chỉ có thể được quyết định bằng những thắng lợi trên trên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tưởng định huấn luyện mang ký hiệu 874 (xây dựng từ tháng 8 năm 1974) và đáp án do học viên của lớp tập huấn chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của giảng viên Học viện Lục quân và Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu được nhất trí thừa nhận, đánh Buôn Ma Thuột là phương án phù hợp nhất. Gần 8 tháng sau, quá trình diễn biến Chiến dịch Tây Nguyên (04/3 - 03/4/1975) phản ánh đúng thực tế ở chiến trường. Buôn Ma Thuột đã được lựa chọn, trận then chốt mở đầu, đồng thời là trận then chốt quyết định đã làm rung chuyển cả Tây Nguyên với đỉnh cao của nghệ thuật “nghi binh lừa địch”, tạo đà cho thắng lợi của cả chiến dịch và những chiến dịch tiếp theo cho đến ngày toàn thắng.

Bộ đội tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột của 50 năm về trước là thành quả từ sự chỉ đạo sắc bén của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương; là máu xương của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và thật tự hào, thắng lợi đó đã đi ra từ chính những bài giảng, tưởng định được “học viên và giảng viên thời chiến” của Học viện Lục quân nghiên cứu, xây dựng.
Ngày nay, Học viện Lục quân đang nỗ lực đổi mới toàn diện công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, cụ thể hóa phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Bài học từ tưởng định huấn luyện mang ký kiệu 874 vẫn luôn là thực tiễn quý giá, nhắc nhở mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện phải luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng mới./.
T.T.T
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Lục quân, Lịch sử Học viện Lục quân (1946 - 1991), Đà Lạt, năm 1991.
Tác giả: KCD. Trịnh Tiến Thành