Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.744
Tháng 04 : 67.944
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự kết tinh tình cảm gia đình và nghĩa tình quê hương trong Chủ tịch Hồ Chí Minh

Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương xứ Nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc trong tư tưởng, đạo đức và cuộc đời bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, có nguồn gốc nông dân ở xứ Nghệ - một vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Đất nghèo, quanh năm nhọc nhằn mưa nắng mưu sinh, lại luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa đã rèn luyện cho người dân xứ Nghệ bản lĩnh gan góc trong khổ đau, kiên cường trong mất mát và luôn biết đùm bọc lẫn nhau. Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành lớn lên từ những năm tháng đói nghèo nhưng thấm đượm tình yêu thương gia đình cùng nghĩa tình cưu mang của xóm làng như thế. Lớp văn hóa xứ Nghệ như phù sa bồi đắp tâm hồn đã góp phần quan trọng hình thành một nhân cách như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.

Bác Hồ với “Quê hương nghĩa trọng tình cao”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà cũ ở quê nội tại làng Sen , xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người giàu tình cảm giữa gia đình và nghĩa tình quê hương. Người vì việc nước đành phải gác lại tình riêng tư, nhưng tình cảm gia đình lúc nào cũng thiết tha, sâu nặng trong lòng. Những ngày tháng bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành không nguôi nhớ tới cha mình đang gặp khó khăn và ngày 31 tháng 10 năm 1911, Người đã gửi thư cho khâm sứ Trung kỳ nhờ chuyển giúp số tiền 15 đồng cho cha vì không rõ địa chỉ của cha mình. Năm sau tại New York xa xôi, Nguyễn Tất Thành với tên Pôn Thành đã gửi thư cho khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Trong thư Người nói đã gửi cho cha ba ngân phiếu nhưng chỉ nhận được một lần trả lời. Khi Người làm Chủ tịch nước, ngày 27 tháng 10 năm 1946, gặp lại chị gái Bạch Liên từ Nghệ An ra thăm, Người bùi ngùi cảm động nói: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nghĩa tình, những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuyên thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con”. Năm 1950, nhận được tin anh trai Cả Khiêm từ trần, bận việc cách mạng, không thể về chịu tang anh, Người đã gửi một bức điện đến Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên Khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo cho việc nước”. Nghe tin cụ Nguyễn Sinh Mợi, anh em thúc bá với Bác, ốm nặng, “không có điều kiện về thăm nom chăm sóc”, Người viết thư giao cho đồng chí Lê Hữu Lập gửi tận tay Bí thư tỉnh ủy Nghệ An “nhờ giúp đỡ chữa chạy”. Khi biết cụ Mợi không qua khỏi, Người đã rút từ sổ tiết kiệm của mình 200 đồng để giúp lo liệu công việc. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao nhiêu tình cảm, lý tưởng lớn lao đều bắt nguồn từ những gì gần gũi, thân thương nhất: tình yêu nhân dân bắt đầu từ tình yêu gia đình, dòng họ, xóm làng, yêu quê hương là khởi nguồn cho tình yêu Tổ quốc, yêu nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, phải chịu cảnh ly tán nên Bác đặc biệt trân trọng kỷ vật của gia đình. Xa cách nhiều năm nhưng Bác vẫn nhớ rất rõ hình ảnh ngôi nhà thơ ấu gợi nhớ kỷ niệm tình thân. Ngày 14 tháng 6 năm 1957, sau bao năm xa cách, lần đầu về thăm quê sau hơn nửa thế kỷ, Bác không vào nhà tiếp khách theo lời mời vì: “Tôi xa nhà đã lâu, nay mới có dịp về, tôi phải về thăm nhà, còn đây là nhà tiếp khách để dành cho khách, tôi có phải là khách đâu! Đồng chí cán bộ hướng dẫn Bác đi vào ngõ cạnh nhà ngang, chiếc cổng tre gắn tấm biển nhỏ “N Bác Hồ, Bác cười vui: Đây là nhà cụ PBảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu rồi Bác không theo đường chính mà tự vạch cây theo lối cũ vào nhà. Bác bảo: Hồi nớ cái cổng nhà choa ở chỗ ni, chứ không phải ở chỗ tê . Bác nhớ trước kia có hàng dâm bụt được xén vừa tầm. Sau khi thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên, Bác nói: Ngày xưa nhà Bác nghèo lắm, bàn thờ làm bằng tre chứ không phải bằng gỗ như ni mô”. Bác ngồi xuống chiếc phản gỗ, chăm chú nhìn từng đường vân, xòe tay đo chiều dài, chiều rộng: Cái phản ni đúng là cái phản hồi còn nhỏ Bác nằm, nhưng so với trước ngắn hơn một chút. Cái phản này sau bao năm chiến tranh, qua nhiều chủ, đã được các đồng chí cán bộ địa phương sưu tầm về. Một góc phản bị lửa táp cháy nên phải cắt bớt. Bác nhớ chi tiết từ lối đi tới đồ đạc, vị trí trong nhà nên nhận ra ngay “cái nhà của Bác mấy năm qua các chú sửa sang lại, có nhiều cái đúng, nhưng cũng có cái không đúng, cái thềm bằng đất chứ không phải bằng xi măng. Tháng 3 năm 1960, gặp hai cán bộ tỉnh Nghệ An, nhắc đến bộ đồng, Bác hỏi: “Nghe nói các chú đã tìm được, làm sao mà biết chắc chắn đó là bộ đồng nhà Bác?” Các đồng chí thưa với Bác là nhờ hỏi các cụ phụ lão.  

Hai lần về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tuyệt đối tránh hình thức, phô trương, lãnh phí, phải làm sao cho chân tình, gần gũi với bà con xóm làng. Bác nhắc “về là cốt về thăm quê, đồng bào chứ có làm quan khách đâu mà các chú làm hình thức, tốn kém”. Tháng 6 năm 1957, nghe tin Bác về, dân làng đều nghĩ ngày đón người con của quê hương cũng là đón vị Chủ tịch nước chắc chắn phải thật long trọng. Nhưng sáng ấy, Bác xuất hiện với bộ áo ka ki và đôi dép cao su quen thuộc. Hình ảnh đó đã xua tan cảm giác xa cách hơn nửa thế kỷ. Bà con ra đón rất đông, Bác xúc động vẫy tay chào, bỗng Bác dừng lại nhìn kỹ một ông già mặc bộ áo nâu mới còn rõ nếp gấp, râu tóc cũng đã bạc như Bác. Ông già cũng chăm chú nhìn lại, rồi trước sự ngạc nhiên của mọi người, Bác siết chặt tay ông già ấy, quàng vai kéo mấy bước, chỉ xuống mặt giếng Cốc và nói: “Ngày choa với mi cùng câu cá ở nớ”. Ông già đó là cố Điền, bạn thời thơ ấu cùng đánh khăng, đánh đáo với Bác. Cử chỉ ấy không chỉ cố Điền cảm động ứa nước mắt mà bà con chứng kiến cảnh tri ngộ đó ai cũng bùi ngùi và thấy Bác gần hơn. Đến năm 1961, Bác về quê lần thứ hai, khi đến sân bay Nghệ An, các đồng chí tỉnh ủy mời Bác ngồi xe mui trần, Bác cười: “Mấy chú cứ ngồi chiếc xe này chứ Bác không ngồi đâu”. Bởi vì, Bác không muốn tạo bất kỳ cảm giác nào cách biệt với quê hương, mà cần phải gần gũi với đời sống, hoàn cảnh dân sinh lúc đó.

Chỉ những hành động, cử chỉ và lời nói gần gũi với quê hương, xóm làng, người thân đã toát lên một phong cách Hồ Chí Minh gần dân, sát dân, hiểu được tâm lý của quần chúng nhân dân, sát với đời thường. Sự kết tinh tình cảm gia đình và nghĩa tình quê hương trong Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta, nên mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý biết giữ mình và rèn luyện mình theo Người thì bài toán lòng dân – vận nước hẳn sẽ giải được một vấn đề quan trọng. 

………………………..

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb, Sự thật, H, 1990.
  2. Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chuyện kể về Bác Hồ, Nxb, Thanh niên-  2016.
  3. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp, Nxb, Thanh niên -  2015.
  4. Ban Tư tưởng –Văn hóa Trung ương, một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội 2007.
  5. Hồ Chí Minh, Tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr 463.

Tác giả: KMLNTTHCM. Ngô Xuân Cát
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?