Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.030
Tháng 04 : 49.175
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung xây dựng đảng về cán bộ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mô hình nhà nước của Việt Nam là Nhà nước dân chủ nhân dân. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”, “tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cán bộ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc cá nhân nắm quyền lực. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ. Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người đòi hỏi các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”[3].

Người cho rằng, khi đã có chủ trương, đường lối, chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân và Người khẳng định: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng”[4]. Người còn chỉ rõ: Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của mỗi cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Người đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ và cán bộ. Người còn chỉ rõ: “Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch”[5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng và trong công tác cán bộ: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người.

Hồ Chí Minh coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản của khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ của Đảng. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu nguyên tắc căn bản mà Đảng của giai cấp công nhân cần quán triệt trong dùng cán bộ. Đó là:

Thứ nhất, phải hiểu biết rõ cán bộ. Thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ để phát hiện nhân tài và người thoái hóa, biến chất.

Thứ hai, phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc. Tất nhiên phải thận trọng, tránh sai lầm trong cất nhắc cán bộ.

Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Nên phải biết tuỳ tài mà dùng người cho đúng.

Thứ tư, phải phân phối cán bộ cho đúng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc.

Thứ năm, phải giúp cán bộ cho đúng để họ có điều kiện, cơ hội phát huy hết khả năng, điều kiện thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải luôn luôn kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Chăm sóc, động viên họ khi họ hoặc người thân trong gia đình họ ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn.

Thứ sáu, phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu ra năm phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ:

Một là, chỉ đạo: Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, nâng cao: Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.

Ba là, kiểm tra: Thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm.

Bốn là, cải tạo: Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp cho họ sửa chữa.

Năm là, giúp đỡ: Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần cán bộ và sự thân ái đoàn kết, tính đạo đức, tính nhân văn trong Đảng.

Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ thì nghệ thuật dùng cán bộ rất quan trọng, Người chỉ rõ: Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ. Và Người khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý và nhấn mạnh ba điểm quan trọng trong công tác cán bộ: Thứ nhất, khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, chính kiến của mình. Thứ hai, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình. Thứ ba, không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tốt công tác cán bộ phải dựa trên cơ sở duy vật biện chứng, duy vật vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Người chỉ rõ: Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung và Người lý giải rõ: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm” và “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho 1 người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”... Thực hành dân chủ là vấn đề cơ bản nhất trong công tác cán bộ, nhằm khai thác sức mạnh của tập thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực chất của nguyên tắc tập trung dân chủ chính là yêu cầu người làm công tác tổ chức cán bộ và cán bộ, đảng viên phải biết gắn trách nhiệm với quyền hạn được trao. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi trở thành Đảng cầm quyền, nắm trọn công tác tổ chức cán bộ thì nhiều cán bộ, đảng viên lại thiếu rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến tha hóa quyền lực. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên Báo Cứu quốc ra ngày 12-10-1945, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án tệ nạn này: “dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền”[6].

Sau đó, ngày 17-10-1945, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề, trong đó có hàng loạt lỗi lầm chung quanh việc lạm dụng khi có quyền lực trong tay và “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”[7] và Người đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ vừa mới nắm giữ chức quyền đã vác mặt “quan cách mạng” với những biểu hiện: “Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo”. Đến năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ rõ: “Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô, hủ hóa khá nặng...” và Người cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[8].

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ chính là kiểm soát cán bộ, đảng viên. Người luôn nhắc nhở phải bảo đảm sự thống nhất về bản chất của mối quan hệ quyền lực trong hệ thống chính trị. Điều này còn được thể hiện ở tính nhất quán trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Tính nhất quán đó được minh chứng bằng tính ổn định của thể chế suốt nhiều thập kỷ qua. Đó là: vai trò lãnh đạo, vị trí cầm quyền chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ và mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người còn khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[9].

Công tác cán bộ phải có vai trò quyết định trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”... Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ và xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất sâu sắc, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng./.

L.N.H 

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.19.

[2] [6] [7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.65, 51.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.375.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.84.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.309.

[8] [9] Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, năm 2011. Tr.672, 612.


Tác giả: HQT. Lê Ngọc Huệ
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?