• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.632
Tháng 12 : 41.596
Tháng trước : 51.575
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vinh dự, tự hào là người giảng viên của Học viện Lục quân Anh hùng

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Truyền thống tốt đẹp này được xem là một phẩm giá cơ bản của việc làm người; là đạo lý cao cả, thiêng liêng, thấm sâu trong nhận thức, tình cảm, hành động của mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là một nét đẹp văn hóa, góp phần làm nên sự trường tồn và phát triển vững bền của dân tộc.

Vị trí, vai trò của người thầy từ ngàn đời nay vẫn luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Người thầy trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay luôn là biểu tượng cao quý, tượng trưng cho trí tuệ và tài năng của xã hội, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, đề cao sứ mệnh của nhà giáo: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá” [1]; “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[2]. Người đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng báo, không được thưởng huy chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”[3]. Vì vậy, có thể khẳng định, đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của đất nước, nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, tạo ra động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ngày 18/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam (trước đó, đây là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo). Từ đó đến nay, cứ đến ngày 20/11 hằng năm, nhân dân, học sinh, sinh viên cả nước và các thế hệ học trò lại tưng bừng kỷ niệm, chúc mừng, tri ân các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục - đào tạo. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) chính là dịp để chúng ta ghi nhận những đóng góp to lớn mà thầm lặng của những thế hệ nhà giáo và thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Đã từ lâu, ngày 20/11 hằng năm không chỉ là ngày lễ trọng đại của riêng ngành giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày để toàn xã hội tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo, những người làm công tác giáo dục - đào tạo. Đồng thời, đó cũng là dịp mà đội ngũ nhà giáo tự hào nhìn nhận lại những đóng góp và tiếp tục xác định trách nhiệm của mình với sứ mệnh “trồng người” vẻ vang mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho.

Trong những năm qua, cùng với các tổ chức, lực lượng liên quan, đội ngũ giảng viên của Học viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có đóng góp quan trọng vào quá trình đào tạo hàng vạn cán bộ chỉ huy - tham mưu cấp trung (lữ) đoàn, sư đoàn, cán bộ quân sự địa phương và các binh chủng chuyên ngành khác cho toàn quân; đào tạo được hàng nghìn học viên cao học, nghiên cứu sinh quân sự, cao cấp lý luận chính trị và hàng ngàn cán bộ, sĩ quan cho hai nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều công trình khoa học của Học viện đã được vận dụng phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của quân đội ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng nhưng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện theo hướng chuẩn hóa, đủ số lượng, chất lượng cao, có cơ cấu hợp lý, nhất là đội ngũ giảng viên nòng cốt, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Chính vì vậy, cùng với quá trình phát triển toàn diện, vững chắc của Học viện, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt: có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực sư phạm tốt, lòng nhân ái bao dung, tính nhân văn cao cả. Hiện nay, Học viện Lục quân có 18 Phó Giáo sư, 96 tiến sĩ, 264 thạc sĩ và 07 chuyên khoa cấp 1; 29 chuyên gia đầu ngành và 20 Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy Học viện hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, đội ngũ giảng viên của Học viện đã tập trung quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, đề án của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục - đào tạo vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, nêu cao quyết tâm thi đua thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; 3 đột phá: “Chất lượng giảng dạy tốt nhất - Quản lý, rèn luyện, học tập nghiêm nhất - Kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất”; 3 thực chất: “Dạy thực chất - Học thực chất - Kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất”; 3 không: “Không tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích trong giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo”,... Thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số Học viện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết lãnh đạo xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các khoa giảng viên đã nghiên cứu, biên soạn nhiều đề tài, giáo trình, tài liệu, chuyên đề khoa học đạt chất lượng tốt. Công tác tổng kết lý luận chiến thuật, chiến dịch, kinh nghiệm chiến đấu, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong một số chiến dịch, trận chiến đấu được nghiên cứu, biên soạn công phu, kịp thời đưa vào giảng dạy. Các mô hình thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt”, “Giảng viên nòng cốt”, “Bài giảng mẫu”, “Bộ môn giảng dạy tốt”, “Câu lạc bộ Tiếng Anh”... đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, chiến lược, đề án của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục - đào tạo và nghị quyết, đề án, kế hoạch “Xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, mỗi cán bộ, giảng viên của Học viện Lục quân anh hùng cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

 Trước hết, cần nhận thức đúng đắn, toàn diện về vai trò, vị trí và vinh dự, trách nhiệm của người thầy. Từ đó nỗ lực, tích cực, cố gắng nhiều hơn nữa, ra sức thi đua học tập, nghiên cứu, trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng nói chung, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo nói riêng; lối sống, tri thức, tác phong công tác, luôn tâm huyết, trách nhiệm cao; có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, phương pháp và năng lực, kỹ năng sư phạm tốt, tác phong làm việc khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo, là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu để học viên noi theo. Mỗi giảng viên cần không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện cả phẩm chất và năng lực, thật sự xứng đáng là “thầy giáo tốt” - thầy giáo đúng nghĩa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, gắn với tinh thần “7 dám” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Ba là, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, lấy người học làm trung tâm; hướng vào tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng thông minh, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới. Đánh giá kết quả học tập, rèn luyện bảo đảm khách quan, phản ánh đúng thực chất trình độ của học viên.

Bốn là, tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học hướng vào nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đóng góp tích cực vào phát triển lý luận quân sự sát với thực tiễn phát triển của các phương thức, loại hình chiến tranh diễn ra ở các khu vực trên thế giới, dự báo và đề xuất được nhiều nội dung, giải pháp có giá trị thực tiễn cao.

Năm là, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng, kỷ luật Quân đội, quy định của Học viện; xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh; nỗ lực phấn đấu đạt giảng viên giỏi cấp Học viện, cấp Bộ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú - thực sự là những giảng viên nòng cốt, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện trong những năm tiếp theo lên một tầm cao mới.

Trong không khí hân hoan kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), mỗi cán bộ, giảng viên Học viện Lục quân càng thấy vinh dự và tự hào về sứ mệnh của mình, về truyền thống của ngành giáo dục - đào tạo và truyền thống gần 80 năm qua của Học viện. Đây sẽ là động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, giảng viên không ngừng nâng cao trách nhiệm đối với công tác giáo dục - đào tạo của Học viện trong thời gian tới. Góp phần xây dựng xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại, vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu”; khẳng định vị thế của Học viện Lục quân là trung tâm đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch, thạc sĩ, tiến sĩ quân sự chất lượng cao và nghiên cứu khoa học quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.345.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 11, tr.528

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.402-403.


Tác giả: CTD. Hồ Mạnh Cường
Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?