Tính đại chúng và tính nghệ thuật trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh
Công tác tuyên truyền là một hoạt động quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng, là công cụ sắc bén để xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần quan trọng trong việc trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn mọi người thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác tuyên truyền bời theo Người “tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”. Người đã đưa ra định nghĩa và xác định rõ mục đích của hoạt động này “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, Người đã căn dặn “Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”. Bản thân Người cũng chính là một nhà tuyên truyền lỗi lạc của Đảng, của sự nghiệp cách mạng dân tộc. Trong phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi lên 3 đặc trưng cơ bản: tính khoa học và cách mạng; tính đại chúng và tình nghệ thuật; sự kết hợp giữa lời nói và hành động. Học tập phương pháp tuyên truyền của Người là việc nhận thức đầy đủ các đặc trưng đó và vận dụng vào nhiệm vụ công tác của bản thân, trong đó tính đại chúng và tính nghệ thuật là một trong những yêu cầu cơ bản.
Tính đại chúng trong cách thức tuyên truyền của Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm dân là gốc và tuyên truyền sao cho đại đa số nhân dân đều hiểu, đều tin và đều làm theo mục đích đã định. Phương pháp tuyên truyền cơ bản đó chính là phương pháp của nhân dân, đủ và ngắn gọn, vì nhân dân, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, vì vậy được thể hiện ở cách diễn đạt ngắn gọn nhưng sâu sắc.
Các tác phẩm như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường kách mệnh” được Người trình bày cô đọng nhưng hết sức sâu sắc những vấn đề cơ bản, bản chất của sự việc đúng, trúng, đủ và ngắn gọn, không dài dòng, gây xúc cảm mạnh cho quần chúng được tuyên truyền.
Trước khi tiến hành tuyên truyền Người luôn nắm chắc mục đích tuyên truyền, chuẩn bị nội dung chu đáo. Trong hoạt động tuyên truyền, bao giờ Hồ Chí Minh cũng tự đặt ra và trả lời các câu hỏi sau: Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền bằng cách nào? Và người khẳng định: “Nếu không vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”.
Khi viết người luôn chú ý sửa chữa bài viết của mình cẩn thận để loại bỏ từ thừa, tránh lan man. Người cho rằng: “Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại mười lần”.
Khi diễn đạt nội dung, Người hay diễn đạt theo văn phong hội thoại để đảm bảo tình linh hoạt, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Do vậy, Người vận dụng linh hoạt nhuần nhuyễn, sinh động các loại câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu mệnh lệnh…mỗi loại câu được Người sử dụng với những mục đích khác nhau.
Tính đại chúng trong phương pháp tuyên truyền của Hồ Chí Minh thể hiện ở cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu. Trong văn phong diễn đạt của Người luôn thấy ngôn từ trong cách nói của nhân dân. Người chỉ rõ “Chúng ta muốn tuyên truyền quấn chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng…vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn”.
Tính đại chúng trong phương pháp tuyên truyền của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở sự kế thừa có chọn lọc cách nói dân gian. Người thường mượn lời ca, vè quen thuộc để tuyên truyền như trong bài: Ca binh lính, ca dân cày, ca du kích, ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong… được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Bên cạnh đó, Người còn dùng các hình ảnh, với lối nói ví von so sánh để diễn đạt tư tưởng. Khi nói đến vai trò, mối quan hệ giữa Đảng với sự nghiệp cách mạng, Người dùng hình ảnh người cầm lái (người đưa đò) để ví với Đảng, còn con thuyền để ví với cách mạng; nói đến mối quan hệ giữa Đảng với dân thì dùng “máu với thịt”; nói về chủ nghĩa đế quốc thì dùng hình ảnh con đỉa hai vòi; nói về mối quan hệ giữa phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở chính quốc thì như hai cánh của con chim. Hay trong việc kêu gọi đồng bào mình đoàn kết, Người đưa ra hình ảnh năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng “đều họp nhau lại nơi bàn tay” để so sánh…
Trong khi tuyên truyền, Người luôn hạn chế thấp nhất việc sử dụng từ nước ngoài mặc dù Người sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người khuyên không nên chọn từ nước ngoài, từ vay mượn sẽ dẫn đến hiểu lầm cho đối tượng nghe. Mặc dù vậy Người cũng căn dặn, nếu mượn tiếng nước ngoài phải đúng mực, đảm bảo quần chúng hiểu, sử dụng các từ nước ngoài đã được Việt hóa. Phương pháp tuyên truyền của Hồ Chí Minh có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, uyển chuyển, gây ấn tượng mạnh, tạo ra sự hấp dẫn để lôi cuốn, thuyết phục và cảm hóa đối tượng tuyên truyền và đạt đến tầm nghệ thuật.
Tính nghệ thuật trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh được hình thành từ nghệ thuật xưng hô với đối tượng. Trong phương pháp tuyên truyền, Người thường đặt ra các câu hỏi và sử dụng nghệ thuật câu hỏi trong nhiều trường hợp khác nhau để đạt mục đích tuyên truyền. Câu hỏi của Người thường mang đậm nét tu từ, khắc vào nhận thức đối tượng tuyên truyền “Non nước tơi bời sao vậy nhỉ? Nhân dân cực khổ biết hay chăng?”.
Tính nghệ thuật trong phương pháp tuyên truyền của Người còn biểu hiện ở sự kiên trì, nhưng biết chớp thời cơ. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, linh hoạt, nhẫn nại, sáng tạo trong mọi tình huống để đạt được mục đích tuyên truyền. Người dặn: “Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần”.
Tính nghệ thuật biểu hiện ở cách tuyên truyền của Người luôn phù hợp với đối tượng cụ thể. Khi tuyên truyền, Người luôn nắm rõ, phân loại đặc điểm đối tượng sau đó sử dụng phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng tuyên truyền đó. Người nói: phải đi, phải nghe, phải xem, phải hỏi và phải ghi chép.
Việc học tập và làm theo tính đại chúng và tính nghệ thuật trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức tuyên truyền phù hợp thông qua hoạt động cụ thể, nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuần trong ý chí và hành động. Trong thời gian tới, học tập phương pháp, phong cách tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là nội dung cụ thể nhằm thực hiện theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần khắc phục tình trạng giáo điều, sách vở trong hoạt động thực tiễn. Nếu chỉ chăm chăm áp dụng kiến thức sách vở không chịu tìm hiểu tình hình thực tiễn thì hiệu quả tuyên truyền sẽ xa rời thực tế.
Thứ hai, cần tích cực nghiên cứu và thực hành phong cách nói, viết của Hồ Chí Minh ngay trong cuộc sống hàng ngày. Đối với người đi tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng là phương thức được tiến hành bằng lời nói trực tiếp, có nhiều ưu thế như có sức lan tỏa nhanh, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không hạn chế nội dung. Đây là điểm mạnh mà các loại hình tuyên truyền khác không thực hiện được và có thể nhận biết ngay hiệu quả tác động của thông tin đến đối tượng. Vì vậy người tuyên truyền phải chuẩn bị tốt nội dung tuyên truyền, phân tích, lý giải, bình luận sâu sắc, cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Cần sử dụng ngôn từ phù hợp với trình độ người nghe. Đặc biệt nội dung tuyên truyền không chỉ bao hàm những vấn đề về chính trị mà còn phải tập trung cho vấn đề phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề văn hóa - xã hội và các vấn đề bức xúc khác. Đặc biệt không nên tuyên truyền một chiều, theo kiểu áp đặt mà phải đảm bảo thông tin hai chiều, sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở và phải luôn coi trọng ý kiến của người nghe.
Thứ ba, lắng nghe, theo dõi thái độ, phản ứng của người học, tránh tác phong xa rời quần chúng, tự cho mình là bề trên, thông thạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chớ có tưởng đi tuyên truyền là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta; lãm đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình”:. Xác định rõ đối tượng nghe, trình độ học vấn, trình độ nhận thức xã hội đặc điểm dân tộc, tôn giáo…từ đó đề ra phương pháp nắm bắt cụ thể để sử dụng phương pháp truyền đạt cho hợp lý.
Thứ tư, nâng cao năng lực giao tiếp của người đi tuyên truyền. Năng lực giao tiếp của người tuyên truyền trước hết là khả năng ứng xử các quan hệ giao tiếp với từng loại đối tượng. Đồng thời đó còn là năng lực về sự hiểu biết phong tục tập quán, văn hóa của từng vùng miền, tạo được uy tín trong quá trình giao tiếp, tiến hành công tác.
Thứ năm, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ chủ yếu trong công tác tuyên truyền. Không chỉ phải sử dụng khéo léo cách phát ngôn, lựa chọn từ ngữ hợp lý mà còn phải lựa chọn ngôn ngữ sao cho ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu và giàu cảm xúc. Năng lực sử dụng ngôn ngữ thể hiện ở chỗ: có vốn từ vựng phong phú, nhất là vốn từ vựng về chính trị - xã hội; có khả năng liên kết thành các từ để hình thành lời văn. Năng lực này được hình thành và thể hiện qua quá trình học tập và tự rèn luyện, khổ công nghiên túc trong môi trường thực tiễn công việc và tự bản thân luôn cố gắng.
Trong điều kiện bùng nổ thông tin toàn cầu và hội nhập quốc tế hiện nay, một mặt cần cung cấp khối lượng lớn thông tin đa dạng, mặt khác phải có sự định hướng thông tin tạo sự nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy công tác tuyên truyền đã và đang tiếp tục gánh vác nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Phương pháp tuyên truyền của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tình thời sự, nóng hổi và phát huy hiệu quả cao. Việc nghiên cứu, học tập và vận dụng phương pháp tuyên truyền của Người vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và quần chúng nhân dân quyết tâm xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta./.
N.T.C.P.D