Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 296
Tháng 04 : 48.441
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam và Liên Xô

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là lãnh tụ V.I.Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra và giành thắng lợi lập lên nhà nước công nông binh đầu tiên trên thế giới - nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở nước Nga Xô Viết. Ngày 30/12/1922, các nước cộng hòa gia nhập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô).

Từ đây, nhà nước Liên Xô thực hiện cả chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Với tinh thần “vô sản trên toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, Liên Xô đã đặt quan hệ và thực hiện giúp đỡ phong trào cách mạng thế giới, các nước đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam trong phát huy sức mạnh thời đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm bắt cơ hội đó và đặt nền móng, duy trì phát triển mối quan hệ khăng khít, mật thiết giữa Liên Xô với Việt Nam. Đây là biểu trưng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa trong sáng, thủy chung, thấm đượm tình “bốn phương vô sản đều là anh em”, đồng thời là nền tảng vững chắc cho quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên Bang Nga và Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước của cả hai nước, hai dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều sách lược để gìn giữ nền độc lập và chính quyền nhân dân non trẻ, nhưng không thể tránh khỏi cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc trong 9 năm trường kỳ kháng chiến; đồng thời phát huy sức mạnh thời đại, đặc biệt là tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô.

Để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thực hiện nhiều biện pháp để cộng đồng quốc tế công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 22/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi mật điện cho I.V.Stalin (qua Đại sứ Liên Xô A.E.Bogomolov tại Pháp), thông báo về sự ra đời của chính phủ cách mạng ở Việt Nam. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi, đây là cơ hội mới để cách mạng Việt Nam mở ra mối quan hệ với các đảng cộng sản nhất là Đảng Cộng sản, nhà nước Trung Hoa và Đảng Cộng sản, nhà nước Liên Xô.

Ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời tuyên bố” gửi chính phủ các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng nhau xây dựng hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[2]. Ngày 15/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ với Trung Quốc. Đến ngày 18/1/1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam với Trung Quốc. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy hàng loạt các nước tiến bộ khác trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhất là Liên Xô.

Sau khi quan hệ ngoại giao Việt Nam với Trung Quốc chính thức được thiết lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp để xúc tiến thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô. Ngày 21/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh. Nhân dịp này, Người đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc thông báo cho I.V.Stalin biết Người đang thăm Trung Quốc và đề nghị được gặp Stalin để thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết về tình hình cách mạng Việt Nam. Đây là việc làm hết sức cần thiết để các nước hiểu biết về cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Ngày 23/01/1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi đại sứ. Mao Trạch Đông, lúc đó đang đàm phán với I.V.Stalin để ký Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung - Xô tại Mátxcơva, đã đề nghị I.V.Stalin mời Hồ Chí Minh tới Mátxcơva để bàn về việc hợp tác Liên Xô và Việt Nam. Đến ngày 30/1/1950, Chính phủ Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tình hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Liên Xô cũng như Việt Nam và Trung Quốc.

Bác Hồ trao Huân chương Lao động cho nhà du hành vũ trụ Liên Xô G. Titov 21.1.1962

Không chỉ đặt nền móng cho quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kiên trì, nỗ lực duy trì và phát huy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Liên Xô. Do đó, từ năm 1950, Liên Xô từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, quyết tâm kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Liên Xô đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về mọi mặt, đặc biệt là viện trợ quân sự, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Nhân dân Việt Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Chính phủ Liên Xô đã ra sức giúp đỡ nhân dân ta khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Nhân dân ta giành thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Liên Xô đã giúp đỡ về mọi mặt cả về chính trị, kinh tế, quân sự; đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, cũng như sự đóng góp của Việt Nam vào nền hòa bình của thế giới. Vì thế: “Liên Xô không thể thờ ơ với an ninh của một nước xã hội chủ nghĩa anh em và sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam”. Sau Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Liên Xô tiếp tục dành sự ủng hộ to lớn về chính trị và vật chất cho Việt Nam. Sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam là vô cùng quý báu, là một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975. Khi đánh giá về nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội lần thứ tư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định một trong những nguyên nhân rất cơ bản đó là “sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa”, đặc biệt là Liên Xô anh em[3].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin tại Sochi (tháng 9 năm 2018)

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô không còn nữa, nhưng công lao đặt nền móng cho quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, gắn liền với sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây; đồng thời có ý nghĩa sâu sắc đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhà nước và nhân dân Cộng hòa Liên Bang Nga hiện nay.

Giữ vững và phát huy mối quan hệ truyền thống, thủy chung với Liên Xô trước đây và Cộng hòa Liên Bang Nga ngày nay, bằng quyết tâm, sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt - Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc. Đảng ta chủ trương tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Nga là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Do đó, đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, vì lợi ích chung của hai dân tộc là biểu hiện sinh động xứng đáng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ I.V.Stalin xây dựng, phát huy từ giữa thế kỷ XX.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, tập 4, 2011, tr.534.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội, tập 6, 2011, tr.310-311.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG - Hà Nội, 2004, tập 37, tr.476.


Tác giả: KMLNTTHCM. Nguyễn Sỹ Họa
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?