Quan điểm, đường lối của Đảng vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Sau khi thành lập Đảng, ngày 20/10/1930, Đảng đã thành lập tổ chức Hội phụ nữ với chức năng tập hợp phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc và bảo vệ lợi ích cho phụ nữ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người luôn căn dặn các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cụ thể, trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra trong những năm tháng ác liệt, ngày 10/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng, ban hành Nghị quyết số 152 - NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy khó khăn trở ngại của phụ nữ...”.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44 -CT/TW ngày 07/6/1984 về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy Đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ… còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em…”; “Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước, khi chiêu sinh cần quy định tỷ lệ nữ một cách thoả đáng; ... Các trường lớp tập trung cần tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo để chị em có con nhỏ gửi cháu”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngày 12/7/1993 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ... Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật”... Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới khẳng định: “Cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng... Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước.... cán bộ nữ dân tộc ít người, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể khi chiêu sinh cần có quy định tỷ lệ nữ một cách thỏa đáng, đưa vào chương trình đào tạo những kiến thức về giới...”.
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao (Ảnh: Tư liệu)
Bác Hồ thăm hỏi chị em dân công lao động đào mương chống hạn ở Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Tư liệu)
Quan điểm, đường lối của Đảng vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới còn được thể hiện rõ nét qua các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.
Đặc biệt, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết xác định 4 vấn đề tập trung lãnh đạo một cách đồng bộ, toàn diện, lâu dài; mang tính chiến lược sâu sắc:
Thứ nhất, Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ hai, Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để phát triển đất nước; đồng thời chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
Thứ ba, Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.
Thứ tư, Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và biến động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, ngày 20/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Đây là sự cập nhật kịp thời đường lối của Đảng đối với công tác phụ nữ khi điều kiện thực tiễn của cách mạng có sự biến động.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống, tinh thần của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội; các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ Việt Nam”.
Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhận thấy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, xuyên suốt từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta đã luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng to lớn, thực hiện nam nữ bình đẳng./.