Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 944
Tháng 07 : 49.473
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

15 ngày đêm gan dạ, dũng cảm, sáng tạo – bộ đội công binh đã hoàn thành 49 mét đường hầm lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Trong chiến dịch này, có nhiều chiến công xuất sắc, tấm gương chiến đấu anh dũng; trong đó, việc đào đường hầm, đưa gần 1 tấn thuốc nổ, gây nổ tạo điều kiện cho bộ đội xung phong tiêu diệt địch cố thủ trên Đồi A1 là một chiến công xuất sắc của bộ đội công binh.

Trong đợt 2 của Chiến dịch, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng cam go. Đặc biệt, tại cứ điểm Đồi A1, cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, hai bên giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Để tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, quyết tâm đặt ra, bằng mọi giá phải tiêu diệt được hầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi A1. Nhiều phương án được bàn thảo, cuối cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch thông qua phương án đào hầm ngầm, đưa lượng nổ lớn vào phá công sự kiên cố của địch trên Đồi A1.

Ngày 6-5-1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 960 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 - vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ban đầu, đại đội công binh thuộc Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ; tuy nhiên, sau khi triển khai đào được một đoạn đường hầm gặp khó khăn về kỹ thuật, do vậy, nhiệm vụ được chuyển giao cho Trung đoàn công binh 151. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung đoàn đã thành lập một phân đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ tác chiến của trung đoàn chỉ huy.

Đêm ngày 20 tháng 4 năm 1954, công việc đào đường hầm được bắt đầu. Trong điều kiện trực tiếp tiếp xúc với địch, khu vực mở cửa đường hầm rất gần địch, chúng liên tục ném lựu đạn, bắn phá mãnh liệt, ban đêm dùng đèn pha, pháo sáng để kiểm soát mọi hành động của ta. Cán bộ, chiến sĩ rất gan dạ, dũng cảm quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, triệt để tận dụng chiến hào, điều kiện đêm tối đào hầm dưới làn đạn, bom ác liệt của địch, một số chiến sĩ đã hy sinh và bị thương mới mở được một đoạn cửa hầm chui vừa lọt 1 người. Càng vào sâu công việc càng khó khăn, để giữ bí mật, đất đào được phải cho vào túi vải dù đem đổ ra xa hoặc đắp vào thành công sự; để đường hầm đúng hướng, bộ đội ta đã sáng tạo, dùng đèn pin che bớt ánh sáng buộc lên đầu cọc ở cửa đường hầm để ngắm hướng, dùng ống thuốc tiêm làm thước thăng bằng; mặt cắt đường hầm rộng và cao khoảng 0,9m, khi chui vào sâu, thiếu không khí, một số chiến sĩ bị ngất phải đưa ra ngoài, có chiến sĩ một đêm bị ngất 4 đến 5 lần, nhưng không một ai nao núng, mà còn nghĩ ra cách nằm nối tiếp nhau, dùng quạt nan quạt vào trong đường hầm để có dưỡng khí làm việc.

Đồi A1 ngày nay

Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, đường hầm dài 49m đã hoàn thành. Chiều và đêm 4 tháng 5, khối thuốc nổ 960 kg chia thành 49 gói được xếp vào cuối đường hầm. Nhằm bảo đảm chắc nổ, sáu đường dây truyền nổ nối vào nụ xòe, dây cháy chậm và 1 đường dây điểm hỏa bằng điện. Phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc việc đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào trong lòng đồi A1.

18.00 ngày 6 tháng 5 năm 1954, pháo binh và các loại súng của ta bắn dồn dập, đồng loạt vào các vị trí cuối cùng của địch. Vào lúc 20 giờ 30 phút, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng 2 đồng chí Nguyễn Bạch và Nguyễn Điệt điểm hỏa khối thuốc nổ 960 kg ở Đồi A1, mặt đất rung chuyển, phá hủy một phần công sự trận địa, quân địch chết và bị thương lớn, số còn lại hoảng hốt, choáng váng. Tận dụng kết quả đó, bộ đội ta xung phong tiêu diệt quân địch, đến 4 giờ 30 phút sáng 7 tháng 5 năm 1954, Trung đoàn 174 hoàn toàn làm chủ trận địa./.

T.C.T

 


Tác giả: KCB. Trần Chí Tuệ
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?