Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 322
Tháng 04 : 68.819
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác, sử dụng tài liệu tiếng Anh ở thư viện phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ tại Học viện Lục quân

Cùng với các học viện, nhà trường trong toàn quân, Học viện Lục quân đang tích cực chủ động, không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, bằng nhiều giải pháp khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ.

Trong đó, khai thác, sử dụng hiệu quả tài liệu, công trình khoa học tiếng Anh có trong thư viện Học viện để tự học tập, nghiên cứu giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ nói chung, trình độ ngoại ngữ nói riêng. Bởi vì, thư viện của Học viện lưu trữ các tài liệu quân sự, công trình khoa học tiếng Anh đa dạng, phong phú; là “điểm nút” kết nối giữa người sử dụng và thông tin; có thể phục vụ theo nhu cầu của nhiều đối tượng, giúp họ tự học, tự nghiên cứu nâng cao tri thức quân sự và học tiếng Anh. Thư viện có số lượng đầu sách nhiều, đa dạng về chủng loại, có thể phục vụ cho các đối tượng học tập tiếng Anh. Ngoài ra, ở đây còn lưu trữ một số lượng lớn tài liệu tiếng Anh (do chế độ cũ để lại). 

 

Người học có thể tìm đọc nghiên cứu tài liệu tiếng Anh trên nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội như: kinh tế, chính trị, y học, khoa học, giáo dục, văn chương, các môn học tự nhiên, xã hội, tiếng Anh quân sự (tổng số 26.102 quyển sách, 2570 đĩa microfilm). Đặc biệt, số lượng tài liệu quân sự bằng tiếng Anh của quân chủng hải quân, không quân, lục quân của quân đội Mỹ và về chiến tranh Việt Nam lưu trữ tại thư viện khá lớn. Đến thư viện, độc giả có thể dễ dàng tìm được các tài liệu quan trọng về nghệ thuật quân sự, chỉ huy tác chiến của địch như “Command at Sea” (Harley, 1966) - chuẩn đô đốc hải quân Mỹ; “Danger in the air”  (Oliver, 1947)… Bên cạnh đó có rất nhiều tài liệu liên quan đến tổng kết các trận đánh của tướng lĩnh quân đội Mỹ như: “Pattern of victory” (1967), “Battles in the monsoon” (Usar-Ret, 1967), Can we win in Vietnam (1968), “Strange war, strange strategy - A general report on Vietnam” (Lewis, 1970) và các tài liệu quân sự trên thế giới… Người học có thể nghiên cứu nghệ thuật quân sự của đối phương, tự học văn phạm, từ vựng, thuật ngữ quân sự tiếng Anh... Mặt khác, tổ chức hoạt động của thư viện chuyên nghiệp, luôn được sự quan tâm chỉ đạo của chỉ huy Phòng Thông tin Khoa học quân sự. Với cách sắp xếp khoa học, không gian học tập, nghiên cứu thoải mái, sạch sẽ, thái độ phục vụ bạn đọc của cán bộ, nhân viên thư viện nhiệt tình, trách nhiệm, liên tục các ngày trong tuần là điều kiện tốt cho người học trong quá trình tự học tiếng Anh.

 

Hiện nay, việc khai thác nguồn tài liệu phong phú tại thư viện phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân cơ bản là trình độ tiếng Anh của nhiều cán bộ, giảng viên, học viên còn hạn chế. Để khai thác hiệu quả tài liệu tiếng Anh trong thư viện phục vụ cho học ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Học viện cần tổ chức hoạt động giao lưu tiếng Anh giữa các đơn vị, lấy hạt nhân của từng đơn vị làm nòng cốt. Phương pháp hoạt động có thể vận dụng theo cách thuyết trình chủ đề khoa học; lựa chọn sách để đọc, nghiên cứu và báo cáo tóm tắt nội dung; hoặc báo cáo quyết tâm chiến đấu của một tưởng định... Với cách hoạt động này buộc người học phải sưu tầm, lựa chọn tài liệu, tự nghiên cứu, biên soạn, thuyết trình. Điều đó đồng nghĩa với trình độ tiếng Anh của người học, hiệu quả khai thác, sử dụng tài liệu tiếng Anh tại thư viện được nâng lên.

 

Bên cạnh đó, giảng viên dạy tiếng Anh có vị trí quan trọng trong khai thác sử dụng hiệu quả tài liệu tiếng Anh tại thư viện phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Giảng viên có thể tìm kiếm, lựa chọn, giới thiệu cách tiếp cận, khai thác sử dụng, kiểm tra, hỗ trợ người học tiếp thu, mở rộng nguồn tài liệu. Trên cơ sở đó, người học tự định hướng, khai thác tài liệu, tương tác với thầy, bạn học để chia sẻ, trợ giúp nhau trong sử dụng nguồn tài liệu có trong thư viện. Mặt khác, để khai thác hiệu quả nguồn tài liệu tiếng Anh tại thư viện, đội ngũ giảng viên dạy tiếng Anh cần tích cực tự học, trau dồi kỹ năng tìm đọc, hình thành thói quen sử dụng thư viện để tìm các tài liệu không có trong thư viện số. Bên cạnh đó, giảng viên dạy tiếng Anh phải tự học tập thêm về kiến thức quân sự để biên dịch, tham gia dịch thuật các tài liệu có trong thư viện. Làm như vậy, giảng viên không chỉ nâng cao khả năng về ngoại ngữ mà còn nâng cao kiến thức quân sự. Bởi, quá trình dịch thuật, họ phải tìm hiểu các thuật ngữ, kiến thức quân sự của các quân, binh chủng, nên sau khi hoàn thành công trình sẽ trưởng thành và tiến bộ hơn. Mặt khác, trong giảng dạy, giảng viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thành thói quen tự nghiên cứu cho học viên bằng cách thiết lập các dạng bài tập kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu; đòi hỏi họ tự tìm ra các tài liệu liên quan đến nội dung học tập có trong thư viện để giải quyết những vấn đề giảng viên đặt ra. Bằng cách đó khả năng tiếng Anh của người học nâng lên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài liệu tiếng Anh trong thư viện hiệu quả hơn.

 

Thế giới không ngừng thay đổi, xu thế hợp tác luôn được đặt lên hàng đầu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Chính vì thế, tiếng Anh quân sự là một nhu cầu tất yếu đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân trong quân đội phải nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập làm chủ kiến thức để không bị lạc hậu, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và quân đội.

 

P.T.T.P


Tác giả: KTHNN. Phạm Thị Thu Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 1422 trong 286 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?