Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.233
Tháng 04 : 68.433
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Thư viện góp phần phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam

Ngày 21/11/2019, với 442/446 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 91,51%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020, Luật Thư viện sẽ tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước.

Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Tuy nhiên sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.

Dự án Luật Thư viện nằm trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (ban hành theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ). Vì thế, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Trong suốt quá trình xây dựng, dự thảo Luật Thư viện sau nhiều lần xin ý kiến của các bên đã nhận được nhiều đóng góp tích cực, được sự quan tâm của nhiều tầng lớp, bộ phận trong xã hội. Chiều 21/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện với 442/446 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, đạt 91,51%. Luật Thư viện 2019 gồm 6 Chương và 52 Điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý Nhà nước về thư viện và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Đoàn Hà Nội cho rằng: Luật Thư viện được thông qua sẽ có những tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với những điểm mới khác biệt và cập nhật sát với yêu cầu của thực tiễn nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của cuộc sống, đối với ngành thư viện. Có thể nói Luật Thư viện ra đời như một động lực lớn, giúp thúc đẩy sự phát triển, mở ra những hướng mới cho ngành thư viện trong tương lai sắp tới. So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000 bộc lộ nhiều bất cập, Luật Thư viện đã được chỉnh sửa 6 điểm mới sau:

1. Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập

Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 quy định thư viện bao gồm 02 loại hình: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành. Tới Luật Thư viện 2019, thư viện được tổ chức theo 02 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Đồng thời Luật cũng quy định rõ:

- Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản;

- Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhận nước ngoài, cng đồng dân cư đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

Cụ thể, thư viện gồm các loại sau đây:

1- Thư viện Quốc gia Việt Nam;

2- Thư viện công cng;

3- Thư viện chuyên ngành;

4- Thư viện lực lượng vũ trang;

5- Thư viện đại học;

6- Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;

7- Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;

8- Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

2. Lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 25/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam tại Quyết định 284/QĐ-TTg. Và lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được đưa vào Luật Thư viện trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc. Theo khoản 2 Điều 29 Luật này, việc phát triển văn hóa đọc được thực hiện thông qua các hoạt động sau:

- Tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc;

- Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, khai thác thông tin cho trẻ em tại các thư viện, trường học và thư viện công cộng;

- Phát triển kỹ năng thông tin cho người sử dụng thư viện trong tìm kiếm, đánh giá, khai thác và sáng tạo thông tin, tri thức;

- Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với các thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, kiến thức từ các thư viện số dùng chung qua thiết bị điện tử di động; sử dụng các dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin thư viện.

3. Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện

Theo Pháp lệnh Thư viện chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức. Luật Thư viện mới đã mở rộng, xã hội hóa hoạt động thành lập thư viện. Theo đó, không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam mà mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cứ đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện:

- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;

- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;

- Người làm công tác thư viện có chuyên môn phù hợp với hoạt động của thư viện;

- Người đại diện theo pháp luật của thư viện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

4. Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số

Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng truy cập và khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

5. Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật, theo đó, đây là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện. Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập (khoản 4 Điều 24). Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện. Đặc biệt, Luật Thư viện nhấn mạnh liên thông giữa các thư viện phải phù hợp với quy mô và đối tượng phục vụ nhằm bảo đảm sự liên thông trong tra cứu thông tin thay vì quy định chung chung như trước. Liên thông thư viện bao gồm các nội dung sau:

- Phối hợp trong thu thập, bổ sung tài nguyên thông tin, dữ liệu số dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp;

- Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện;

- Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện.

Theo đó, việc liên thông thư viện được thực hiện theo các phương thức: Liên thông theo khu vực địa lý; theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; theo nội dung, chủ đề tài nguyên thông tin thư viện và liên thông giữa các loại thư viện.

6. Định kỳ hàng năm đánh giá hoạt động thư viện

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thư viện 2000, theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện và nâng cao hoạt động thư viện. Khi thực hiện đánh giá hoạt động thư viện phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Khách quan, chính xác, đúng quy định;

- Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng;

- Theo định kỳ hàng năm.

Như vậy, định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động theo Tiêu chuẩn quốc gia về Bộ chỉ số văn hóa hoạt động thư viện TCVN 11774:2016 ISO 11620:2014.

Luật Thư viện lần này đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, điểm nổi bật nhất là Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm. Theo đó, người sử dụng là đối tượng được hướng tới trong mọi hoạt động của thư viện. Luật Thư viện đã có những điều khoản quy định rõ việc người dân có quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Luật cũng tập trung vào những nội dung phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện, vấn đề liên thông thư viện để dần dần ngành thư viện của Việt Nam có thể tiệm cận với các nước phát triển. Luật Thư viện khẳng định rõ vai trò của thư viện trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Với sự ra đời của Luật Thư viện 2019, ngành thư viện của Việt Nam nói chung và thư viện của các trường đại học nói riêng sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Hoạt động của các thư viện sẽ càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, dịch vụ càng ngày càng phong phú hơn, lượng thông tin đến bạn đọc sẽ cập nhật và dồi dào hơn. Có như vậy, ngành thư viện mới thực hiện được hiệu quả chức năng của mình.

Một số hình ảnh minh họa:

Ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Quy định cụ thể hoạt động liên thông Thư viện

Định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động

Phòng đọc dành cho Học viên Quốc tế của Thư viện Học viện Lục quân

Bổ sung sách cho Thư viên

V.M.H


Tác giả: PTT. Võ Minh Hiệp
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?