Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.271
Tháng 10 : 12.410
Tháng trước : 66.035
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong thời kỳ chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng của ta còn non trẻ; mới ra đời đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức; để làm tốt công tác chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 78 năm đã trôi qua, nhưng những bài học lịch sử gắn với sự lãnh đạo tài tình, khôn khéo, linh hoạt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự và những giá trị bền vững trên cả lý luận và thực tiễn.

Như chúng ta đã biết, các thế lực thực dân, đế quốc có mặt ở nước ta lúc bấy giờ: quân Pháp, quân Tưởng, quân Anh và sau nữaquân Mỹ; tuy có những mưu đồ riêng, nhưng bọn chúng đều có chung một dã tâm là bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ, áp đặt lại sự thống trị của ngoại bang ở Việt Nam. Không thể một lúc đối đầu với tất cả kẻ thù, Đảng ta đã phân tích cụ thể tình hình, từng bước loại bỏ các đối thủ, tập trung vào kẻ thù chính. Bằng những sách lược mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng rất cương quyết; Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta quyết tâm bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng, chuẩn bị mọi lực lượng để kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với nhãn quan chính trị sắc sảo, sự quyết đoán táo bạo và mau lẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đứng trước tình hình gay go và cấp bách ấy, Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn... Lúc đó, Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết. Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp - dù là phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế”. Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật để tránh sự tập trung chống phá từ phía kẻ thù, bảo tồn lực lượng và tiếp tục lãnh đạo cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 tạm hòa hoãn với Pháp, đẩy 20 vạn quân Tưởng về nước. Ngày 09/3/1946, trong Chỉ thị “Hòa để tiến”, Tổng bí thư Trường Chinh chỉ rõ: “Tổ quốc gặp những bước khó khăn. Nhưng con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới. Chúng ta hòa với nước Pháp để dành thời gian, bảo toàn thực lực, giữ vững lập trường càng mau tiến tới độc lập hoàn toàn”. Trên thực tế, với việc ký vào Hiệp định 06/3/1946, nước Pháp đã phải công nhận sự tồn tại và vị thế của Chính phủ Hồ Chí Minh. Đây là một thắng lợi chính trị có ý nghĩa quốc tế của Nhà nước ta, đồng thời cũng bóc trần bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp.

Nhưng với dã tâm xấu xa, thái độ ngoan cố của thực dân Pháp trước sau chỉ muốn áp đặt lại sự thống trị trên đất nước ta, cho nên, cuộc đàm phán đó không đem lại kết quả tốt đẹp. Nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô toàn quốc đã đến gần. Để tranh thủ thêm thời gian củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến, trước khi rời nước Pháp về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14/9/1946, tại Pari. Tạm ước 14/9 là một sách lược ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm giúp cho quân và dân ta có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp xâm lược.

Với sách lược mềm dẻo, khôn khéo đó, trong hơn một năm (02/9/1945 đến tháng 12/1946), nước ta đã xây dựng được khối đoàn kết toàn dân, tránh được thế bất lợi, phá vỡ sự bao vây, tập trung chống phá của nhiều kẻ thù, đưa cách mạng nước ta vượt qua giai đoạn hiểm nguy nhất. Ở đây ta thấy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện một cách rõ nét. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia chính là cái “bất biến”, là mục tiêu cao cả, là phương châm chỉ đạo mọi hành động cách mạng và cũng là ý chí, khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam để ứng với “vạn biến” - nghĩa là mọi hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của thời cuộc.

Ngày 19/10/1946, Hội nghị quân sự toàn quốc mở rộng của Đảng họp, nhận định: không sớm thì muộn, thực dân Pháp sẽ xâm chiếm đất nước ta một lần nữa. Khả năng hòa hoãn với Pháp không còn nữa. Cả dân tộc ta phải chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoán trước được cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp sắp lan rộng ra cả nước, ngày 05/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản chỉ thị quan trọng “Công việc khẩn cấp bây giờ”. Người chỉ thị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, ra sức đẩy mạnh công cuộc kháng chiến trên các mặt như: quân sự, chính trị, kinh tế, giao thông v.v... để sẵn sàng đối phó khi thực dân Pháp cố tình gây chiến tranh. Tối 18/12/1946, quân Pháp ra tối hậu thư đòi tước vũ khí của Vệ Quốc đoàn, tự vệ, công an và đòi kiểm soát an ninh trong Thành phố Hà Nội. Ở nhiều nơi khác trong cả nước như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Bộ... quân Pháp tăng cường hoạt động gây hấn làm cho tình hình rất căng thẳng. Những hành động đó là sự cố tình khiêu khích, là bước lấn tới cao nhất của thực dân Pháp nằm trong âm mưu xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông) quyết định phát động cả nước đứng lên kháng chiến chống Pháp. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu lên ý chí sắt đá và quyết tâm chiến đấu đến cùng của dân tộc ta. Đồng thời, Người chỉ rõ những vấn đề cơ bản về đường lối của cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện và khẳng định cuộc kháng chiến của Nhân dân ta nhất định thắng lợi. Người viết: “...Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ  nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”. Hưởng ứng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giành thế chủ động, đêm 19/12/1946 các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta đã đồng loạt nổ súng tiến công địch. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu từ đêm lịch sử đó.

Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ chính quyền cách mạng mới được thiết lập, phải đối diện với thù trong, giặc ngoài, với muôn vàn khó khăn, thách thức khác đã để lại cho các thế hệ chúng ta những trang sử hào hùng, những mốc son lịch sử truyền thống đáng tự hào của cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm ấy đã được rút ra từ lịch sử truyền thống, mang tầm vóc lớn lao cả về lý luận và thực tiễn; đồng thời, nó cũng có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta trong cả hiện tại và tương lai.

Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hết vai trò trách nhiệm, mọi quân nhân nhất là đối vói các thế hệ cán bộ, đảng viên đã và đang công tác tại Học viện Lục quân cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về tinh thần trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là người cán bộ, đảng viên đồng thời là người quân nhân cách mạng, mỗi chúng ta phải thật sự tự giác, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao về cả ý chí và hành động, lời nói và việc làm; quyết tâm xây dựng đơn vị luôn vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng Học viện Lục quân vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là một Trung tâm đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự trung, cao cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.

N.V.H


Tác giả: KCHTM. Nguyễn Viết Hường
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?