• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 968
Tháng 05 : 33.580
Tháng trước : 60.869
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngọn đuốc Hồ Chí Minh: từ hành trình cứu nước đến ánh sáng soi đường dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng dân tộc. Nhân kỷ niệm 135 ngày sinh của Người, (19/5/1890 - 19/5/2025), việc ôn lại hành trình tìm đường cứu nước của Bác không chỉ giúp mỗi người chúng ta hiểu rõ hơn về con đường cách mạng Việt Nam, mà còn là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là quân nhân Học viện Lục quân, học tập và noi theo tấm gương đạo đức, chí khí cách mạng và tinh thần cống hiến vĩ đại của Người.

Con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ nhỏ Người đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Chính điều đó đã hình thành trong Người một ý chí mãnh liệt: phải cứu dân, cứu nước thoát khỏi xiềng xích nô lệ.

Những năm tháng sống ở Huế, rồi vào Phan Thiết, Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời thanh niên) càng thấm thía nỗi đau mất nước và sự bất lực của các phong trào yêu nước đương thời. Người từng tham gia các cuộc biểu tình chống thuế, từng chứng kiến các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du lần lượt thất bại. Điều đó thôi thúc Nguyễn Tất Thành phải tìm một con đường cứu nước phù hợp với xu thế thời đại và điều kiện của dân tộc Việt Nam.

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, với tên gọi Văn Ba, Người quyết định rời Tổ quốc, bước lên con tàu Amiral Latouche - Tréville làm phụ bếp, bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước. Với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua muôn vàn khó khăn, làm đủ mọi nghề lao động, sinh sống và học tập ở hơn 30 quốc gia, từ châu Á, châu Phi đến châu Âu và châu Mỹ. Tại Pháp, Anh, Mỹ, Người vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu xã hội tư sản, nghiên cứu tư tưởng cách mạng phương Tây và đặc biệt là học hỏi các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức. Người sống trong căn phòng chật hẹp ở Paris, nhiều đêm không đủ ăn, không đủ ấm, nhưng không lúc nào nguôi ý chí tìm ra con đường cứu dân tộc thoát khỏi ách đô hộ.

Năm 1919, dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles, một sự kiện đánh dấu lần đầu tiên tiếng nói chính trị của người Việt được đưa ra trước dư luận quốc tế. Tuy bản yêu sách không được xem xét, nhưng nó đã khiến chính quyền thực dân Pháp phải quan tâm và điều tra: “Nguyễn Ái Quốc là ai?”

Từ năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu tiếp cận và nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi đọc được Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã vô cùng xúc động và nhận ra đây chính là con đường cứu nước đúng đắn. Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước đồng bào: Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”

Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là bước ngoặt mang tính lịch sử, chuyển từ một nhà yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Trong suốt những năm sau đó, Người tiếp tục hoạt động tích cực trong phong trào cộng sản quốc tế: tham dự các đại hội của Quốc tế Cộng sản, xuất bản báo “Người cùng khổ”, viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”. Đây đều là những tác phẩm lý luận chính trị có giá trị lớn, đặt nền móng cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Trong hai năm 1923, 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Liên Xô, học tập tại Trường Đại học Phương Đông, tham dự các hội nghị quốc tế và truyền bá tư tưởng cách mạng cho các dân tộc bị áp bức. Sau đó, Người tới Quảng Châu, Trung Quốc, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, mở các lớp huấn luyện cán bộ, đào tạo lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Việt Nam, trong đó có nhiều người sau này là lãnh đạo của Đảng. Người đặc biệt nhấn mạnh việc vô sản hóa, đưa cán bộ vào nhà máy, đồn điền để giác ngộ giai cấp công nhân. Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, do chính Nguyễn Ái Quốc chủ trì hợp nhất ba tổ chức cộng sản.

Năm 1927, khi phong trào cách mạng trong nước còn đang lúng túng, chưa xác định được phương hướng rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản cuốn Đường cách mệnh, một tác phẩm lý luận chính trị có tính nền tảng, đặt cơ sở tư tưởng cho con đường cách mạng của Việt Nam. Ngay phần mở đầu, Người đã trích dẫn lời của Lê-nin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động. Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong thì mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong.” Từ đó, Người khẳng định: “Muốn cách mệnh thành công, thì phải có đảng cách mệnh… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt.” Không chỉ bàn về tổ chức và đường lối, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh đạo đức cách mạng và tư cách người làm cách mạng. Theo Người, muốn làm cách mạng thì trước hết phải rèn luyện đạo đức, phải có tinh thần hy sinh, ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm minh và lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng.

Quan điểm “lấy chủ nghĩa làm cốt” và coi đạo đức là “gốc của người cách mạng” là tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: “Đường cách mệnh là tác phẩm rất hay, rất đúng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điểm cơ bản lắm, đúng lắm, đến bây giờ vẫn rất là đúng. Bác nói rằng Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó đến bây giờ vẫn không sai. Đảng có vững thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì con thuyền mới chạy. Bác chỉ ước mong đồng bào xem sách rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên, đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.” Đây chính là tinh thần xuyên suốt Đường cách mệnh: khơi dậy nhận thức, lay động trái tim, và thúc đẩy hành động.

Ngày nay, Đường cách mệnh không chỉ là một văn kiện lịch sử quý giá, mà còn là cẩm nang lý luận mang tính thời sự. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, thì việc tiếp tục học tập, nghiên cứu lý luận cách mạng, củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là yêu cầu cấp thiết đối với mọi quân nhân trong toàn quân nói chung, đặc biệt là cán bộ, học viên Học viện Lục quân nói riêng.

 Ảnh: Tư liệu

Quân nhân Học viện Lục quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc và trí tuệ cách mạng. Từ một người thanh niên với hành trang là ý chí và lòng yêu nước, Người đã trở thành lãnh tụ thiên tài của dân tộc, để lại một di sản tư tưởng, đạo đức sâu sắc, kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và noi theo. Đối với quân nhân Học viện Lục quân, nơi đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược cho toàn quân, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là nền tảng để xây dựng bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và tinh thần phụng sự Tổ quốc trong thời đại mới.

Trước hết, cần kiên định lý tưởng cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cần học ở Người tinh thần trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Tiếp theo, phải phát huy tinh thần tự học, tự rèn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc học tập suốt đời để nâng cao trí tuệ và năng lực hành động. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi quân nhân cần xây dựng phương pháp học tập khoa học, kết hợp lý luận với thực tiễn, phát triển tư duy chiến lược, làm chủ tri thức công nghệ và quân sự hiện đại.

Bên cạnh đó, rèn luyện phong cách người cán bộ mẫu mực là yêu cầu cấp thiết. Theo phong cách Hồ Chí Minh, người cán bộ phải gắn bó thực tiễn, nói đi đôi với làm, gần gũi với bộ đội, sâu sát cơ sở. Quân nhân tại Học viện Lục quân cần thể hiện tinh thần này qua việc nghiêm túc trong học tập, tích cực rèn luyện tác phong chỉ huy, duy trì chuẩn mực quân phong, quân kỷ.

Thêm vào đó, đạo đức cách mạng và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải luôn được gìn giữ và phát huy. Theo Bác Hồ, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là nền tảng đạo đức cách mạng. Mỗi quân nhân cần giữ vững sự khiêm tốn, trung thực, đặt lợi ích tập thể, của nhân dân và đất nước lên trên hết. Trong mọi hoàn cảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải là kim chỉ nam cho hành động.

Để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Học viện Lục quân: “Trung thành vô hạn, Trí tuệ vượt trội, Nghị lực phi thường”, mỗi quan nhân cần không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí và cống hiến hết mình. Đó cũng chính là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đã sống, chiến đấu và để lại cho các thế hệ hôm nay.

Có thể khẳng định, hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí cách mạng và khát vọng tự do. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi quân nhân Học viện Lục quân, giúp hoàn thiện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Để xứng đáng với truyền thống “Kiên trung với Đảng, sáng tạo trong tư duy, bền bỉ trong rèn luyện” mỗi quân nhân cần tự rèn luyện, tu dưỡng và cống hiến hết mình, như tấm gương Bác Hồ đã chỉ dạy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đường cách mệnh - Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, 2007.
  2. Hành trình tìm đường cứu nước 1911-1945, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, NXB Thông tin và Truyền thông, 2021.
  3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đường cách mệnh là tác phẩm rất hay, rất đúng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, 2020.
  4. Báo Quân đội nhân dân, chuyên mục Hồ Chí Minh, Vĩ nhân của thời đại.
  5. Hồ Chí Minh - Tấm gương tự học suốt đời, PGS.TS. Bùi Đình Phong, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2015.

Tác giả: KTHNN. Nguyễn Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 116 trong 24 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?