Tìm hiểu một số điểm mới về quyền được chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định trong Bộ Luật lao động 2019
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
So với Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 1994 và BLLĐ năm 2012 thì BLLĐ năm 2019 có sự thay đổi mang tính đột phá trong chế định về HĐLĐ liên quan đến quyền được chấm dứt HĐLĐ, đặc biệt là quyền được chấm dứt HĐLĐ từ phía NLĐ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ vì đây là đối tượng thế yếu trong quan hệ lao động. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung các trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động.
Bộ Luật lao động năm 2019 đã bổ sung một số trường hợp đương nhiên chấm dứt HĐLĐ so với BLLĐ năm 2012, bao gồm:
Một là, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Trục xuất” là một hình phạt được áp dụng đối với người nước ngoài buộc phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi vi phạm các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, do không còn có mặt tại Việt Nam nên đương nhiên quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ không thể tiếp tục thực hiện.
Hai là, giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Một trong những điều kiện cần để NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định. Do đó, khi giấy phép lao động hết hiệu lực thì NLĐ đó không còn đủ các điều kiện để tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Theo Điều 153 BLLĐ năm 2019 thì “người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 156 BLLĐ năm 2019 thì nội dung của HĐLĐ phải đúng với nội dung của giấy phép lao động nên thời hạn ghi trong HĐLĐ cũng phải phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp. Khi giấy phép lao động hết hiệu lực thì đương nhiên thời hạn của HĐLĐ cũng hết và đây là trường hợp đương nhiên HĐLĐ chấm dứt hiệu lực.
Ba là, bỏ trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 BLLĐ năm 2012 thì đối với NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu và đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì HĐLĐ đương nhiên chấm dứt. Tuy nhiên, tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ lại có quy định về việc quan hệ lao động với NLĐ cao tuổi không đương nhiên chấm dứt mà vẫn có thể được tiếp tục nếu NLĐ có đủ sức khỏe và NSDLĐ có nhu cầu sử dụng lao động. Mặt khác, việc tiếp tục hoặc không tiếp tục quan hệ lao động khi NLĐ đã đến tuổi nghỉ hưu phải do các bên tự định đoạt.
Vì lẽ đó, BLLĐ năm 2019 đã bỏ quy định này và đưa trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trở thành một trong các trường hợp được đương nhiên chấm dứt HĐLĐ của NLĐ với NSDLĐ. Do đó, NSDLĐ cần lưu ý điều khoản thay đổi này để soạn thảo các văn bản chấm dứt quan hệ lao động theo đúng căn cứ pháp lý.
Thứ hai, bổ sung các quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Điểm đ khoản 1 Điều 5 BLLĐ năm 2019 quy định, NLĐ có quyền “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Đối với quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, BLLĐ năm 2019 đã có nhiều thay đổi đáng kể so với BLLĐ năm 2012. Cụ thể như sau:
Một là, bỏ các lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Theo quy định tại Điều 37 BLLĐ năm 2012 thì đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ khi có những lý do nhất định như: “Không được bố trí đúng vị trí công việc, bị ngược đãi, quấy rối tình dục, bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục họp đồng lạo động…”. Chỉ trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn thì mới được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không bị ràng buộc bởi những điều kiện kể trên.
Chính vì vậy, BLLĐ năm 2019 thì đã bãi bỏ hoàn toàn các lý do nêu trên. Người lao động có thể tự mình quyết định việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần nêu lý do cụ thể, chỉ cần tuân thủ về thời hạn báo trước theo quy định tại khoản 1 Điều 35 BLLĐ năm 2019 như sau: (i) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn; (ii) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; (iii) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Riêng đối với những công việc, ngành, nghề mang tính đặc thù được quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ thì NLĐ phải báo trước ít nhất 120 ngày.
Hai là, bổ sung các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ năm 2019 thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong các trường hợp sau đây: “Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này; Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ”.
Những trường hợp trên được coi là những trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, danh dự, nhân phẩm của NLĐ và việc chấm dứt HĐLĐ ngay lập tức là cần thiết. Vì vậy, đây có thể nói là một trong những điểm mới quan trọng của BLLĐ năm 2019 dành cho NLĐ để đạt được thế cân bằng đối với bên “có quyền lực” là NSDLĐ và đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới tính và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Như vậy, BLLĐ năm 2019 đã đánh dấu bước phát triển tiệm cận hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhiều điểm mới trong BLLĐ hiện hành, đặc biệt là quy định về chấm dứt HĐLĐ mang lại lợi ích rất lớn cho cả NLĐ và NSDLĐ. Thế nhưng, để nâng cao hiệu quả thực thi thì đòi hỏi NLĐ và NSDLĐ phải nắm rõ, hiểu rõ để chủ động sử dụng quyền lợi của mình đồng thời phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật. Mặt khác, việc quy định đơn giản hóa các quy định đã giúp NLĐ được tự do lựa chọn công việc phù hợp mà không bị hạn chế, bó buộc bởi các điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động như trước đây. Đổi lại, về phần NSDLĐ thì quy định này đã mang lại những tác động nhất định, phải linh hoạt chuẩn bị các phương án để thay thế lao động cũng như áp dụng các chế độ phúc lợi và quan tâm đến người lao động nhiều hơn.
Trong tình hình hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng và các lực lượng trong Học viện Lục quân cần nhận thức đúng những điểm mới về chấm dứt HĐLĐ của NLĐ quy định trong BLLĐ năm 2019 nhằm quán triệt sâu sắc, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên chức và người lao động trong toàn Học viện nắm vững và thực hiện tốt những điểm mới về quy định này. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên, học viên, công nhân viên chức và người lao động cần gương mẫu chấp hành, tích cực học tập, tuyên truyền vận động người thân trong gia đình, người dân nơi cư trú và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt những quy định nêu trên để chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và kiên quyết đấu tranh với những nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng hoặc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật về chấm dứt HĐLĐ của NLĐ./.
T.D.H