Một số điểm mới theo quy định của Luật Căn cước năm 2023 kể từ ngày 01/7/2024
Luật Căn cước 2023 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 07/11/2023 với 87,25% ý kiến tán thành. Luật gồm có 07 Chương, 46 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật Căn cước 2023 có một số điểm mới như sau:
Một là, chính thức đổi tên thẻ “Căn cước công dân’’ (CCCD) thành thẻ “Căn cước”.
Điều này được quy định tại khoản 1 và khoản 11 Điều 3, cụ thể:
“1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người;11. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”.
Đây được xem là điểm mới quan trọng nhất của dự án đổi tên từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước được Quốc hội thống nhất thông qua. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người.
Quốc hội thông qua Luật Căn cước 2023 vào ngày 27/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6
Hai là, quy định giá trị sử dụng của thẻ CCCD và giấy chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp.
Hiện nay, câu hỏi mà người dân quan tâm nhất chính là việc đổi tên thành thẻ căn cước có bắt buộc phải làm lại thẻ CCCD gắn chip, CCCD thường và giấy CMND đã được cấp hay không?
Vấn đề này được nêu rõ tại Điều 46, cụ thể: “Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước”. Do đó, công dân hiện có thẻ CCCD các loại được cấp trước ngày 01/7/2024 thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước và vẫn được sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ.
Đối với CMND có hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, CMND chính thức bị khai tử kể từ ngày 01/01/2025. Tuy nhiên, thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến ngày 29/6/2024 thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 và các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã cấp có sử dụng thông tin từ các loại thẻ CCCD, CMND vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Ba là, bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước.
Thẻ căn cước đã bỏ thông tin in trên thẻ như: “Quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng” để thay bằng thông tin “nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh và nơi cư trú cùng với những thông tin được mã hóa”. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 18, khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước 2023.
Bốn là, đối tượng cấp thẻ căn cước được mở rộng.
Theo quy định tại Điều 18 thì người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Như vậy, theo quy định mới thì kể từ ngày 01/7/2024, người dưới 14 tuổi có thể được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, Điều 23 cũng quy định, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia và cơ quan quản lý căn cước không tiến hành thu nhận thông tin nhận dạng cũng như thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
Năm là, bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là “người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống”. Theo đó, khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước 2023 quy định Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho đối tượng này mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã và Giấy này có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Sáu là, công dân sẽ được cấp Căn cước điện tử.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 31 và 33 Luật Căn cước 2023. Theo đó, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 01 Căn cước điện tử và do cơ quan quản lý căn cước thuộc Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 qua ứng dụng VNeID; Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Bảy là, thu thập thông tin sinh trắc học khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 15, 16 và Điều 23 Luật Căn cước 2023. Theo đó, phải thu thập thông tin mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên; đối với thông tin sinh trắc học về AND và giọng nói sẽ được thu thập nếu người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
Tám là, quy định về tích hợp thông tin, sử dụng và khai thác thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Căn cước 2023. Theo đó, thông tin được tích hợp gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Người dân sẽ được tích hợp các thông tin trên nếu có yêu cầu, các thông tin đã được tích hợp này có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động khác.
Có thể thấy, Luật Căn cước 2023 là một trong các dự án luật được Quốc hội thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý dân cư, quản lý Nhà nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và tiến tới mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
T.D.H