Nội dung mới về chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp theo Thông tư 24/2024/TT-BTC
Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và áp dụng từ năm tài chính 2025. Thông tư này thay thế các thông tư trước đó, có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu công tác kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Trong bối cảnh pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính của khu vực công có nhiều nội dung thay đổi như: Nội dung về quản lý tài sản công; nội dung tài chính - ngân sách; 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 và 6 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2. Thông tư số 24/2024/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 24) được ban hành xuất phát từ yêu cầu phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước, cơ chế tài chính, quản lý tài sản; phù hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam; xử lý các vướng mắc tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đã và đang được tổ chức công tác kế toán tập trung, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối kế toán.
Theo đó thông tư có những quy định mới nhất về sổ kế toán hành chính, sự nghiệp như sau:
Một là, bổ sung các nguyên tắc hạch toán của các tài khoản phù hợp với cơ chế tài chính và các chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã ban hành, trong đó hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí; khắc phục các tồn tại trong việc kế toán nhận kinh phí và theo dõi nguồn mua sắm tài sản công, hàng tồn kho, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, kinh phí được chuyển năm sau, điều chỉnh số liệu kế toán… Các quy định của thông tư đảm bảo việc ghi chép kế toán được thực hiện thống nhất và số liệu báo cáo tài chính được trình bày đầy đủ, phù hợp.
Hai là, trên cơ sở các tồn tại, bất cập hiện nay, Thông tư số 24 đã bổ sung hướng dẫn hạch toán và đối chiếu công nợ phải thu, phải trả của đơn vị kế toán, hạch toán tỷ giá phù hợp với quy định; sửa đổi một số nội dung liên quan đến hạch toán các nghiệp vụ phát sinh trong hoạt động liên doanh, liên kết; hạch toán ghi nhận doanh thu, chi phí, các quỹ; hướng dẫn hạch toán chi phí xây dựng cơ bản chờ phê duyệt quyết toán để đảm bảo việc trình bày tài sản trên báo cáo tài chính chính xác, đầy đủ. Sửa đổi và hướng dẫn hạch toán tài khoản ngoại bảng “Dự toán viện trợ không hoàn lại” để phù hợp với quản lý vốn viện trợ hiện nay.
Ba là, cập nhật thêm các hướng dẫn hạch toán liên quan đến tiếp nhận kinh phí ủy quyền, ủy thác để chi trả cho các đối tượng có liên quan theo quy định; hướng dẫn hạch toán mua sắm tài sản cố định, vật tư, nguyên liệu của đơn vị kế toán cấp trên để cấp phát cho các đơn vị kế toán (theo ngành dọc); hướng dẫn hạch toán các khoản dự phòng áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định; hướng dẫn kế toán tài sản thuê, mượn, đặt máy, tài sản đặc thù… theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.
Bốn là, hướng dẫn hạch toán hàng dự trữ quốc gia cho các đơn vị thuộc các bộ, ngành được giao quản lý; kế toán tài sản kết cấu hạ tầng nói chung (trong đó có tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi), trừ tài sản kết cấu hạ tầng được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kế toán của Ban quản lý dự án phù hợp với cơ chế tài chính và mô hình hoạt động hiện nay (là đơn vị sự nghiệp công lập).
Tài chính các đơn vị dự toán quân đội áp dụng nguyên lý kế toán, hệ thống chứng từ, tài khoản và sổ kế toán theo chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Các quy trình nghiệp vụ về kế toán theo Thông tư 24 phức tạp và có nhiều nội dung hướng dẫn mới nhằm triển khai chuẩn mực kế toán công Việt Nam và đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính, tài sản trong tình hình mới. Do vậy đội ngũ cán bộ, chỉ huy; cán bộ, nhân viên tài chính; cán bộ, giảng viên chuyên ngành tài chính trong các đơn vị, nhà trường Quân đội cần chủ động nghiên cứu, đào tạo và vận dụng phù hợp với yêu cầu quản lý tài chính, tài sản công trong từng đơn vị./.
N.Đ.T