Nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Nghị quyết của Đảng ra đời là kết tinh tư duy lý luận, tính thực tiễn sâu sắc, đồng thời thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống và tổ chức thực hiện thắng lợi, đòi hỏi phải được nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc, chặt chẽ, có chất lượng nghị quyết của Đảng là trách nhiệm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Thời gian qua, nhìn chung các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng còn bộc lộ hạn chế nhất định. Do đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là yêu cầu cấp bách, thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng hiện nay.
Hiện nay, hình thức cơ bản và phổ biến trong nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là tổ chức các hội nghị tập trung (các lớp) ở các cấp, các ngành, các cơ quan và đơn vị. Bên cạnh đó, hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cũng được sử dụng ngày càng phổ biến. Thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng lĩnh hội được tinh thần cơ bản của nghị quyết, nắm vững quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp lớn, trên cơ sở đó xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của cấp mình và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đã đề ra. Nhiều cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thời gian qua đã chú trọng xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, lựa chọn và bồi dưỡng báo cáo viên, tăng cường trang bị và sử dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật hiện đại trong các đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Báo cáo viên thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, hiểu biết sâu rộng, kỹ năng và phương pháp truyền đạt tốt, phù hợp với từng đối tượng học tập, nghiên cứu. Vì vậy, nghị quyết của Đảng “thấm sâu” vào người nghe, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức tư tưởng, ý thức trách nhiệm và hành động. Tuy nhiên, nhiều nơi việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng mang tính hình thức, chiếu lệ, “khô, cứng”, thiếu sự lôi cuốn, hấp dẫn chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hạn chế. Có nơi chưa chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên có phẩm chất và năng lực tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; không ít báo cáo viên hạn chế về trách nhiệm, năng lực, trình độ, chưa tích cực đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để nghiên cứu thấu đáo nội dung nghị quyết và các tư liệu, tài liệu, thông tin liên quan. Báo cáo viên thường chỉ nêu những vấn đề cơ bản, ít lý giải, chứng minh làm rõ nội dung cốt lõi nghị quyết. Các thuật ngữ mới, các quan điểm, chủ trương, giải pháp, sự nhất quán và phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng chưa được luận giải đầy đủ, sâu sắc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa tích cực, tự giác nghiên cứu, học tập, nên nắm không chắc nội dung nghị quyết. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nội dung, biện pháp cơ bản sau đây.
Một là, xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng chặt chẽ, nghiêm túc
Xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch đề ra là thể hiện phương pháp làm việc khoa học, mang lại chất lượng, hiệu quả trong mọi lĩnh vực; trái ngược với kiểu làm việc tùy tiện, ngẫu hứng, chất lượng và hiệu quả thấp. Theo đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết ở mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, đơn vị là việc làm quan trọng, đặt lên hàng đầu, không thể xem nhẹ. Kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học và cụ thể; tránh chung chung, hình thức, đối phó. Trong kế hoạch phải xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, hình thức; báo cáo viên và thành phần tham gia nghiên cứu, học tập; thời gian, địa điểm, trang trí khánh tiết; tổ chức thực hiện và công tác bảo đảm. Sau khi đã có kế hoạch phải phổ biến đến các đối tượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Nếu có tình huống phát sinh ngoài kế hoạch cần giải quyết kịp thời, hợp lý.
Hai là, lựa chọn, xây dựng và bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của đội ngũ báo cáo viên
Chất lượng đội ngũ báo cáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng ở mỗi cấp, ngành, mỗi cơ quan, đơn vị. Vì vậy, lựa chọn, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên là công việc hệ trọng của các cấp, các ngành và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Thực tế cho thấy, ở cấp ủy, tổ chức đảng nào chú trọng, quan tâm thích đáng đến vấn đề này thì chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được nâng lên và ngược lại. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt việc lựa chọn, bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, phẩm chất, năng lực đội ngũ báo cáo viên, nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, có trách nhiệm cao, có phẩm chất và năng lực tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, làm nòng cốt trong tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng.
Ba là, báo cáo viên nâng cao năng lực, trách nhiệm, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành quán triệt nghị quyết của Đảng
Báo cáo viên cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu thấu đáo, nắm chắc nội dung nghị quyết của Đảng. Tiếp thu, lĩnh hội sâu sắc nội dung giới thiệu của báo cáo viên cấp trên. Chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương, thu thập thông tin (tư liệu, số liệu) liên quan đến nội dung nghị quyết. Tham khảo Tài liệu học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng do Ban Tuyên giáo, Hội đồng lý luận Trung ương biên soạn, các bài viết được đăng tải trên Tạp chí Xây dựng Đảng, Nghiên cứu Lý luận, Tư tưởng Văn hóa, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, trang Website Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.., để cập nhật thông tin, làm phong phú, sinh động nội dung trình bày. Trong hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, báo cáo viên cần trình bày rõ tính cấp thiết, tầm quan trọng, quá trình chuẩn bị, xây dựng nghị quyết; luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn các quan điểm, chủ trương, nhận định đánh giá trong nghị quyết; làm rõ sự nhất quán, bổ sung và phát triển mới trong tư duy của Đảng; tập trung vào những vấn đề mới, cốt lõi, không dàn trải, tham về nội dung; cần giải thích rõ ràng, dễ hiểu các khái niệm, thuật ngữ mới trong nghị quyết; đưa ra những tư liệu, số liệu tin cậy để minh chứng cho vấn đề trình bày; khái quát và làm rõ những quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong nghị quyết; những vấn đề trọng tâm, cần lưu ý trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng.
Báo cáo viên phải thông qua công tác chuẩn bị trước cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chặt chẽ (nội dung, thời gian, phương pháp, phương tiện kỹ thuật, địa điểm...). Trên cơ sở đó, báo cáo viên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương pháp trình bày trong hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng.
Bốn là, sử dụng hợp lý phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Các phương tiện kỹ thuật hiện đại có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Các phương tiện kỹ thuật hiện đại được sử dụng phổ biến hiện nay: máy chiếu đa năng (Projector), màn hình Led.., các phần mềm trình chiếu Power point, Video Clip, các thiết bị, công nghệ kết nối trực tuyến giữa các hội trường, điểm cầu v..v. Báo cáo viên làm chủ nội dung, lựa chọn phương pháp thích hợp, kết hợp với phát huy hiệu quả các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Khi thiết kế các slide trình chiếu cần khái quát những nội dung cơ bản của nghị quyết, nhất là những vấn đề lý luận, quan điểm, chủ trương, tư duy mới của Đảng. Lựa chọn hợp lý hình ảnh, tư liệu, số liệu, sơ đồ, biểu đồ minh họa; không lạm dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại dẫn đến xa rời mục đích, yêu cầu, nội dung chính đã đặt ra. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ làm cho hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trở nên sinh động, hứng thú, nội dung nghị quyết dễ hiểu, dễ nhớ, “thấm sâu” vào các đối tượng được học tập, quán triệt.
Năm là, gắn chặt tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tình hình, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, đơn vị
Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng không chỉ dừng lại ở việc làm rõ các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, điều quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc, vận dụng sát, hiện thực hóa nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị. Quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cần gắn chặt tình hình, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; liên hệ, vận dụng làm sâu sắc tinh thần, nội dung của nghị quyết, nhất là những thành tựu, yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan ở cấp mình. Trên tinh thần đó, từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát đúng với cấp mình, nhằm hiện thực hóa quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết của Đảng.
Sáu là, tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng; kiểm tra chặt chẽ quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
Lâu nay, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết thường mang tính một chiều. Báo cáo viên cố gắng thuyết trình hết nội dung đã chuẩn bị, ít đối thoại, trao đổi, thảo luận hai chiều. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết còn hạn chế. Tăng tính đối thoại, thảo luận dân chủ, cởi mở đối với người nghe cả trong và sau buổi nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của mỗi người. Báo cáo viên cần kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng xung quanh nội dung nghị quyết và những vấn đề thực tiễn đặt ra, qua đó nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, củng cố, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, duy trì thực hiện nghiêm kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Biểu dương, khen ngợi các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình nghiêm khắc các tập thể, cá nhân ý thức trách nhiệm kém trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng phải nâng cao nhận thức chính trị, coi việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là việc làm nghiêm túc, tự giác, trách nhiệm cao. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo nghị quyết của Đảng. Từ đó, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai cùng các cường quốc, năm châu” như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị nước ta. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Theo đó, tinh thần cơ bản của nghị quyết được phổ biến, thấm sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng, từ đó biến thành sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, cơ quan và đơn vị mà trực tiếp là các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong tình hình mới. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng nhằm mang lại hiệu quả cao hơn./.