Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 888
Tháng 07 : 49.417
Tháng trước : 67.667
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa Pháo binh 69 năm hình thành và phát triển

Khoa Pháo binh được thành lập theo Quyết định số 301/BQP-TTL ngày 31/5/1955 của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ra đời trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với nhiệm vụ ban đầu là bổ túc cán bộ trung, cao cấp, sau này là đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu trung, lữ đoàn và chủ nhiệm Pháo binh sư đoàn bộ binh.

Trải qua 69 năm xây dựng và trưởng thành, từ Kim Đái, Sơn Tây đến Hà Nội, Long Bình... và Đà Lạt, từ mái trường Học viện Lục quân, đã có hơn 60 khóa học (đào tạo dài hạn, bổ túc, hoàn thiện) với hàng nghìn cán bộ pháo binh tốt nghiệp ra trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội ta cũng như Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia trong từng thời kỳ cách mạng. Đến nay, 100% cán bộ của cơ quan Bộ tư lệnh Pháo binh, cơ quan Pháo binh quân khu, quân đoàn, cán bộ chỉ huy trung, lữ đoàn Pháo binh trong toàn quân cơ bản đã được đào tạo Học viện Lục quân. Qua thực tế công tác, những cán bộ Pháo binh đã được đào tạo tại Học viện ngoài lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, còn có kiến thức vững chắc về nguyên tắc lý luận binh chủng hợp thành, các quân binh chủng, chuyên sâu về nguyên tắc lý luận sử dụng Pháo binh trong các hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch; về tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập. Biết vận dụng nhuần nhuyễn các kiến thức đã học vào quá trình huấn luyện, xây dựng đơn vị. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh đảm nhiệm các cương vị quan trọng, chủ chốt trong Quân đội và binh chủng Pháo binh Việt Nam và quân đội nước bạn.

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ pháo binh cho các chiến trường; đồng thời thực hiện phương châm “Lý luận gắn với thực tiễn”, “Nhà trường gắn với chiến trường”. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, khoa Pháo binh đã cử nhiều cán bộ tham gia trực tiếp chỉ huy chiến đấu, nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phát triển trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của các quân khu, quân đoàn, có đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những bài học kinh nghiệm từ chiến trường ác liệt đã được đúc kết trở thành những bài giảng hay, những chiến lệ thực sự có giá trị cả lý luận và thực tiễn cho các thế hệ học viên tiếp theo. Mặt khác, những vấn đề khoa học nghiên cứu trong nhà trường cũng đã được kiểm nghiệm, phát huy trong thực tiễn chiến đấu, đem lại hiệu quả, giảm bớt sự hy sinh xương máu cho đồng đội.

Pháo binh Sư đoàn bộ binh 304 trong Chiến dịch tiến công Trị Thiên 1972

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, Quân đội, Học viện, khoa Pháo binh đã tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học Pháo binh (thạc sỹ, tiến sỹ) cho cơ quan Bộ tư lệnh Pháo binh, Trường sĩ quan Pháo binh, các khoa binh chủng trong các nhà trường quân đội, các đơn vị pháo binh trong toàn quân và tham gia nghiên cứu các công trình khoa học cùng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Học viện Lục quân, Bộ Quốc phòng.

Để nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ giảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những năm qua, được sự quan tâm của Ban giám đốc Học viện, Khoa Pháo binh đã cử nhiều cán bộ, giảng viên đi thực tế tại các cơ quan, đơn vị Pháo binh trong toàn quân. Các đồng chí đã tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm huấn luyện, quản lý chỉ huy ở đơn vị, bổ sung vào nội dung, chương trình giảng dạy, thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và đơn vị.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính thường xuyên lâu dài; có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy Khoa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng giảng viên, chú trọng vào các đồng chí giảng viên mới, giảng viên trẻ; từ khâu phân công biên soạn bài giảng, kế hoạch giảng bài, tập bài, luyện tập, diễn tập; đến khâu thông qua ở các cấp; dự giờ, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm qua từng bài, từng buổi huấn luyện. Hiện nay, 100% cán bộ giảng viên trong khoa có trình độ đại học trở lên, trong đó có 50% sau đại học, 28% phó giáo sư, tiến sĩ; 100% hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, tập bài, luyện tập, diễn tập cho các đối tượng học viên. Trong công tác bồi dưỡng giảng viên, chỉ huy Khoa đặc biệt quan tâm đến việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong giảng dạy các nội dung chuyên nghành Pháo binh, bảo đảm phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học trong việc tiếp thu kiến thức lý luận cũng như vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc lý luận vào từng điều kiện cụ thể để giải quyết các nhiệm vụ, tình huống chiến đấu.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã trở thành phổ biến, các văn kiện luyện tập, diễn tập được soạn thảo trên phần mềm 2D, 3D bảo đảm nhanh, chính xác và hiệu quả cao, giúp cho người chỉ huy và cơ quan tham mưu pháo binh nâng cao khả năng thực hành trong chỉ huy hỏa lực.

Khoa Pháo binh tổ chức bồi dưỡng giảng viên tại thực địa

Với những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ giảng viên trong suốt 69 năm qua, Khoa Pháo binh đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chính phủ tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng nhất”; Bộ quốc phòng tặng “Cờ thưởng luân lưu”; Học viện tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; cờ thưởng luân lưu “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng”; nhiều bằng khen, giấy khen; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, toàn quân, chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen, giấy khen các loại; nhiều đồng chí đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” cấp Bộ Quốc phòng và cấp Học viện.

Hội nghị tổng kết công tác TĐKT và phong trào TĐQT giai đoạn 2019-2024

Trong giai đoạn cách mạng mới, trước sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật; sự thay đổi của điều kiện tác chiến; đặc biệt là Quân đội hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng, tập trung nâng cao sưca mạnh tổng hợp, hướng tới xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong điều kiện đó, lực lượng Pháo binh, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển cách đánh của Pháo binh trong tác chiến hiện đại là vấn đề hết sức quan trọng. Tình hình đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên khoa Pháo binh cần phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, mỗi cán bộ giảng viên phải có kiến thức toàn diện, nhạy bén trong tư duy chiến thuật, tiếp cận và làm chủ những trang bị mới, công nghệ mới, để tiếp tục đào tạo ra các thế hệ cán bộ chỉ huy-tham mưu Pháo binh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Khoa Pháo binh, cán bộ, giảng viên, học viên pháo binh đang công tác, học tập tại Học viện Lục quân  luôn trân trọng, tự hào và nguyện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trên chặng đường mới. Ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân, Quân đội và Học viện giao cho, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./. 


Tác giả: KPB. Phạm Văn Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?