• :
  • :
Học viện Lục quân: "Kiên định vững vàng - Đoàn kết nhất trí - Chủ động sáng tạo - Khắc phục khó khăn - Hoàn thành nhiệm vụ"
Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 986
Tháng 01 : 30.172
Tháng trước : 58.940
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” của bộ đội công binh trong 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội công binh đã tham gia và góp phần to lớn vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, viết nên truyền thống “Mở đường thắng lợi”. Hiện nay, bộ đội công binh đang tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các công trình phòng thủ và tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho.

Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng, trong đó có việc thành lập Công chính Giao thông Cục - tiền thân của Bộ Tư lệnh công binh ngày nay. Ngay sau khi thành lập, bộ đội công binh đã không ngừng lớn mạnh, luôn khẳng định vai trò quan trọng trong chiến đấu như lời Bác Hồ từng dạy “Quân đội ta ví như cây mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác. Cán có chắc, mũi có sắc thì mới đâm được giặc”. Khi mới thành lập, với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn, đến nay lực lượng công binh đã trở thành binh chủng bảo đảm chiến đấu quan trọng của Quân đội ta.

Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội công binh đã tham gia bảo đảm công binh cho hầu hết các chiến dịch lớn của Quân đội. Trong chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951), công binh bắc cầu phao bằng tre nứa qua sông Đáy, nhờ đó bộ binh đã đánh chiếm trận địa đầu cầu giành thắng lợi, góp phần đánh bại phòng tuyến trung du Bắc bộ của Quân liên hiệp Pháp. Chiến dịch Quang Trung (1951), công binh bắc cầu phao bằng tre nứa với chiều dài kỷ lục hơn 320m qua sông Đà giữa mùa mưa lũ. Chiến dịch Tây Bắc (1952), để khắc phục bom mìn địch đánh phá (bom nổ chậm), công binh đã đặt đài quan sát bom gần trọng điểm để nắm chắc số lượng, đồng thời, nghiên cứu tìm ra nguyên lý vận chuyển và cơ cấu chống tháo của ngòi nổ M124-A1, từ đó góp phần không nhỏ vào thắng lợi của chiến dịch, làm thất bại ý đồ của thực dân Pháp “Xứ Thái tự trị”. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và bảo đảm chiến đấu, bộ đội công binh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi” và trở thành truyền thống vẻ vang của bộ đội công binh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội công binh là bảo đảm đường cơ động và bảo đảm vượt sông cho các lực lượng; làm hầm sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng; phá thác mở luồng vận chuyển trên sông Nậm Na; xây dựng trận địa pháo và công sự vây lấn tiêu diệt các cứ điểm địch. Kết thúc đợt 1 chiến dịch, trong thông báo khen thưởng của Bộ chỉ huy chiến dịch nêu rõ “Đội Công binh mở đường thắng lợi suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững mạch máu giao thông, không có con đường ấy, không có chiến dịch này”. Nét đặc sắc về bảo đảm công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bí mật đào đường hầm dài 49m ngay gần địch, đưa khối thuốc nổ 960kg, điểm hỏa làm rung chuyển Đồi A1, tiêu diệt một phần Đại đội dù số 2 của địch, làm cho chúng hoang mang, tạo điều kiện quân ta xung phong tiêu diệt địch, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.

Đầu năm 1965, trước yêu cầu của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội công binh được gấp rút xây dựng một số đơn vị mới tăng cường cho các chiến trường, bổ sung quân số, trang bị và chuyển hướng huấn luyện bộ đội cho phù hợp với tình hình. Ở miền Nam, lực lượng công binh cũng từng bước phát triển; từ hoạt động nhỏ lẻ, phân tán, phát triển lên thành từng tổ (đội) đánh phá giao thông trong đội hình binh chủng hợp thành và chức năng nhiệm vụ cũng có bước phát triển từ “Chiến đấu” là chủ yếu, thêm chức năng “Bảo đảm chiến đấu” và bước đầu phát huy tốt vai trò trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, lực lượng công binh của Bộ, công binh Quân khu 4, Quân khu 3 và một số đơn vị chủ lực của Bộ đã kịp thời có mặt ở các trọng điểm ác liệt như: Đò Lèn, Hàm Rồng, Bến Thuỷ, Long Đại, Xuân Sơn… và trên các trục giao thông quan trọng, cùng với  nhân dân đã không tiếc mồ hôi, xương máu và tài sản của mình để mở đường, bảo đảm cơ động cho phương tiện cơ giới; nhiều nơi, nhân dân tháo cả cột nhà, cánh cửa và giư­ờng phản để san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường cho xe ra mặt trận. Trên các trọng điểm ác liệt: Hàm Rồng, Bến Thuỷ, Đồng Lộc, Long Đại, Xuân Sơn… và các trục giao thông quan trọng, đâu đâu cũng có lực lượng công binh của ba thứ quân, ngày đêm bám đ­ường, bám bến, bắc cầu, ghép phà, mở  đường, khắc phục bom đạn, thủy lôi… với khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên c­ường dũng cảm” giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Đoàn 559 và công binh của mặt trận (B4, B5) đã liên tục bám đường, bám trọng điểm, hộ tống xe tăng và mở cửa mở cho bộ binh xuất kích tiến công; khi ta chuyển vào phòng ngự, bộ đội công binh cùng bộ binh bám trụ, giữ vững công sự trận địa, góp phần giành thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên mặt trận Trị - Thiên, tạo điều kiện thuận lợi cho ta trên bàn Hội nghị Pa-ri. Chiến dịch Tây Nguyên (1975), bộ đội công binh bí mật chuẩn bị mạng đường, bảo đảm cơ động cho đội hình tác chiến chủ yếu của chiến dịch ở nam Tây Nguyên và bảo đảm cơ động cho triển khai đội hình trên các hướng chia cắt chiến dịch. Trên hướng Buôn Ma Thuột, trong thời gian 10 giờ, công binh đã mở thông 4 trục đường mới dài 20 đến 25 km; đồng thời các bến cầu, phà cũng thiết bị xong, kịp thời bảo đảm cho đội hình tác chiến tiến công.

Trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội công binh là bảo đảm đường cơ động và bảo đảm vượt sông. Đây là chiến dịch được huy động lực l­ượng công binh lớn nhất, riêng công binh chiến lược phối thuộc có 06 trung đoàn; công binh Đoàn 559 có 03 sư đoàn và 04 trung đoàn độc lập; với tổng quân số trên 35.000 người và gần 2.000 thanh niên xung phong. Các lực lượng công binh đã mở mới hàng trăm ki lô mét đ­ường, hàng chục bến vượt sông, hơn 40 ngầm, sửa chữa trên 100 cầu các loại và bảo đảm giao thông gần 3.000 km đường cơ động cho các binh đoàn chủ lực hình thành 5 mũi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bộ đội công binh tham gia bảo đảm và làm nhiệm vụ quốc tế. Ở biên giới Tây Nam, công binh đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm đường cơ động và bảo đảm vượt sông bằng sức mạnh, trong đó có bến Công Pông Chàm, khu vực vượt sông lớn chưa từng có trong lịch sử của bộ đội công binh; bảo đảm cho tiến công triệt phá các căn cứ của bọn phản động, giúp bạn xây dựng tuyến phòng thủ và bảo vệ biên giới. Ở biên giới phía Bắc, bộ đội công binh trực tiếp tổ chức mạng đường cơ động và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình phòng thủ trên toàn tuyến biên giới với khối lượng lớn; trực tiếp tham gia và nòng cốt trong việc mở đường, bắc cầu, ghép phà và bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục đường cơ động chiến lược, chiến dịch, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, ngoài việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bộ đội công binh còn trực tiếp xây dựng công trình chiến đấu, công trình phòng thủ, nhà giàn DKI; làm đường tuần tra biên giới; dò tìm bom mìn vật nổ và xử lý bom đạn cấp 5; phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, tham gia khắc phục hậu quả sập đổ công trình, ứng cứu sự cố ách tắc giao thông điển hình như tham gia khắc phục hậu quả trong cơ bão số 3 (năm 2024); phòng chống khủng bố; lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; nghiên cứu khoa học và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Phát huy truyền thống của bộ đội công binh Việt Nam, trong những năm qua, Khoa Công binh Học viên Lục quân, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục & đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng thiết thực, hiệu quả. Thực hiện việc đổi mới toàn diện công tác giáo dục & đào tạo, với phương châm “ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” gắn với thực hiện tốt phương châm“Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, tăng cường vận dụng phương pháp “dạy học tích cực”, lấy người học làm trung tâm, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng huấn luyện chuyên ngành công binh tại Học viện Lục quân. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, năm học 2024-2025, Khoa Công binh được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Lục quân tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, nhiều cá nhân được tặng giấy khen, bằng khen, chiến sĩ thi đua cơ sở.

Khoa Công binh tổ chức hội thảo “Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực ở Khoa Công binh”

Tự hào truyền thống lịch sử 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội công binh, cùng với lịch sử 80 năm xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong thời gian tới, cán bộ, giảng viên Khoa Công binh luôn đoàn kết, hiệp đồng, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng tổng hợp, khắc phục mọi khó khăn; xây dựng Khoa vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện giao cho, xứng đáng với truyền thống “Mở đường thắng lợi”, của bộ đội công binh anh hùng./.

P.D.C


Tác giả: KCB. Phan Danh Ca
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?